Chủ động phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng cao
Phú Thọ có một số huyện miền núi như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập... có địa hình phức tạp, độ dốc cao, nhiều sông suối nhỏ, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, thiệt hại đến tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Lực lượng dân quân tự vệ xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn khắc phục sạt lở đất do thiên tai gây ra năm 2022.
Có nhiều nguyên nhân gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất như: Địa hình tại các huyện miền núi thường có độ dốc đứng, bề mặt địa hình chia cắt mạnh, tầng phủ mỏng kết cấu bờ rời, rất dễ bị trượt lở khi có mưa lớn. Trong khi đó, các huyện miền núi thường có lượng mưa phân bố không đều về thời gian và không gian, mưa tập trung trong thời gian ngắn với cường độ lớn, làm cho nước dâng lên đột ngột, tốc độ dòng chảy mạnh, có sức tàn phá lớn, gây lũ quét, lũ bùn đá, dòng lũ có năng lượng lớn sẽ cuốn trôi nhà cửa, công trình gây xói mòn đất và vùi lấp ruộng nương.
Ngay từ đầu năm, các huyện miền núi đã chú trọng xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), trong đó vấn đề phòng, tránh nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được xem là nội dung chính, xuyên suốt trong công tác PCTT&TKCN của huyện. Được biết, các địa phương nằm trong vùng được cảnh báo có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hàng năm cũng đều thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch phương án sơ tán dân cư sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án ứng phó, khắc phục lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
Theo đó, trên cơ sở phân tích đặc điểm, địa hình, khí hậu thời tiết, các tác động thiên tai đã xảy ra trên địa bàn, các khu vực trọng điểm có thể xảy ra hoặc ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, huyện đã xây dựng kịch bản, đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Các xí nghiệp thủy nông phối hợp với các xã có hồ chứa, ngầm, tràn thường xuyên theo dõi, bảo dưỡng sửa chữa… tránh xảy ra các sự cố.
Để công tác ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đạt hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Việt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn chia sẻ: Trước mắt, Ban chỉ đạo PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các xã trên địa bàn tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho nhân dân địa phương. Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác trồng, bảo vệ rừng, kiến tạo hệ sinh thái xanh làm thay đổi cấu trúc địa chất, giảm thiểu nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Huyện cũng đã cho lắp đặt camera giám sát tại các điểm tràn trọng điểm thuộc các xã: Mỹ Thuận, Xuân Đài, Thu Cúc, Văn Luông, Đồng Sơn, Lai Đồng, Minh Đài, Tam Thanh… từ đó có thể cảnh báo khi nước lên để chính quyền và người dân các xã sớm có phương án xử lý thiên tai.
Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra về ban đêm, khi người dân đang chìm trong giấc ngủ, xảy ra với cường độ mạnh và thời gian rất ngắn nên hậu quả thường hết sức nghiêm trọng. Vì vậy người dân cần chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, các dấu hiệu của sạt lở đất đã được khuyến cáo để bảo vệ tài sản và tính mạng của gia đình.
Quân Lâm