Khuyến khích tinh thần “dám nghĩ, dám làm”
Có thể nhận thấy, “dám nghĩ” là những tư duy đột phá, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, định kiến, trở ngại để định hình mục tiêu, con đường rõ ràng, thể hiện quyết tâm mãnh liệt muốn thay đổi cho sự thành công. Còn “dám làm” không có nghĩa là làm ẩu, làm liều, làm qua loa, vì lợi ích riêng và càng không phải là vi phạm pháp luật mà làm những việc vì lợi ích chung, dám làm những việc khó, việc mới, chưa có tiền lệ. Cán bộ, đảng viên phải là những “đầu tầu” của hành động “dám nghĩ, dám làm” gắn với “chân đi, miệng nói, tay làm”, tất cả suy nghĩ, hành động phải vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc, nhân dân.
“Dám nghĩ, dám làm” chính là thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người đứng đầu, của người cán bộ, đảng viên dám vì cái chung, “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước trước khó khăn, luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và cả chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn để kiên quyết đi đến đích chung, vì cái chung. Đường lối của Đảng ta đã khuyến khích, bảo vệ cán bộ “sáu dám” nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, non yếu… vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Vẫn còn tâm lý “sợ sai”, “làm ít sai ít”, “không làm, không sai” đang xảy ra ở một số cán bộ, đảng viên và tổ chức.
Qua mạn đàm, tìm hiểu cho thấy, sở dĩ ở nhiều nơi còn có chuyện không “dám nghĩ, dám làm” bởi nguyên nhân chính vẫn là do con người, nhất là việc sợ trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Có thể chia ra làm ba nhóm còn “ngại việc”, không dám làm việc. Thứ nhất, nhóm cán bộ có năng lực hạn chế, có tình trạng sợ, không dám làm. Nhóm thứ hai là những người có năng lực nhưng ý thức, tinh thần còn hạn chế, làm việc theo kiểu “nghe ngóng”, né tránh. Nhóm thứ ba là nhóm cán bộ không muốn làm, không dám làm, làm cầm chừng bởi vì cán bộ tiền nhiệm làm không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, cho nên nay làm đúng thì sẽ làm phát sinh ra những vấn đề sai phạm trước đây.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, rất cần có quy định cụ thể để giải tỏa, khắc phục cho được tâm lý sợ làm sai, sợ bị xử lý trách nhiệm; cần một hành lang pháp lý đầy đủ, khuyến khích và bảo vệ tinh thần “dám nghĩ dám làm” của cán bộ, đảng viên. Một trong những đột phá quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ là cần: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Thời gian qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “sáu dám”. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc… bởi hiện nay, trong nội bộ Đảng vẫn còn tư tưởng lo ngại, không dám làm, làm sợ sai, bởi sai sẽ bị xử lý…
Do vậy, các chi, đảng bộ, người đứng đầu… cần mạnh dạn bảo vệ cán bộ để cả đội ngũ nhìn vào đó tự tin, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; việc xử lý sai phạm cũng phải đúng người, đúng việc và tâm phục, khẩu phục thì mới phát huy hết tinh thần “dám nghĩ, dám làm” trong cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền. Dám nghĩ, dám làm chính là thể hiện năng lực, quyết tâm của cán bộ, đảng viên vì lợi ích chung, là động lực để cho mỗi tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh đồng thời thể hiện bản lĩnh của người đảng viên trong thời điểm hiện nay.
Minh Tự