{title}
{publish}
{head}
Ở nước ta, các di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với số lượng rất lớn tồn tại trên phạm vi khắp cả nước đã và đang có nguy cơ xuống cấp hoặc bị hủy hoại, biến mất, rất cần được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ kính yêu đã luôn luôn là lãnh tụ quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thật khó tưởng tượng được rằng, trong hoàn cảnh lịch sử của dân tộc vừa mới hoàn thành cuộc Cách mạng tháng Tám thần thánh, giành lại độc lập cho dân tộc, sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ tịch bên cạnh phải đứng ra xây dựng bộ máy chính quyền của nhà nước cách mạng non trẻ, ứng xử với hoàn cảnh nghèo đói, kẻ thù trong, ngoài đang rình rập, lại vẫn thường trực nghĩ đến sự tồn vong của di sản văn hóa quốc gia.
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954.
Quốc khánh mới được chục ngày, ngày 13/9/1945, Người đã về thăm và dự Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế (8 vị vua họ Lý) tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong không khí trang nghiêm, Hồ Chủ tịch kính cẩn nghiêng mình dâng hương tưởng niệm 8 đức vua triều Lý, thể hiện tấm lòng tri ân triều đại tiên phong với các bậc tiền nhân có công khởi lập ra nhà nước quân chủ phong kiến độc lập đầu tiên của dân tộc, khai phá và làm rạng danh mảnh đất Thăng Long trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước nghìn năm sau này.
Và rồi, công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa đã được Người cụ thể hóa bằng việc ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh được ban hành vào thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn với giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, điều đó càng thể hiện rõ tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong Điều thứ tư của sắc lệnh đã đề cập: “Cấm phá hủy những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.
Nhận thức được ý nghĩa và giá trị của thời khắc ra đời Sắc lệnh này, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Cũng từ đây, những điều cô đọng trong Sắc lệnh cùng những lời căn dặn của Người đã và đang mãi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chín năm kháng chiến thần thánh vừa hoàn thành, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam) tại Đền Hùng. Đây là di tích lịch sử đặc biệt của dân tộc, nơi gắn với hình ảnh “Con Lạc cháu Hồng”; nơi mà mỗi người dân Việt Nam luôn coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, dòng giống của dân tộc.
Tại Đền Giếng, Bác đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, chỉ vẻn vẹn hai câu mà khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.
Lời nói dường như bình dị, chân tình đó đã trở thành chân lý, mở ra sức hút cho một đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho cộng đồng dân tộc hướng tới tâm thức tôn vinh và tri ân công lao của các anh hùng, danh nhân đã có công vì dân vì nước, đúc kết thành những giá trị văn hóa quốc gia nối kết với hệ giá trị văn hóa từ nhiều nghìn năm của dân tộc Việt Nam trên tiến trình lịch sử.
Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân đất Việt.
Đã gần 80 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ kính yêu đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, xác lập sự hiện tồn của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam bước vào con đường kháng chiến 9 năm, rồi xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước hơn 30 năm. Để rồi đất nước quy về một mối, cả dân tộc bước vào vận hội phục hồi sau chiến tranh, bắt tay công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường phát triển kinh tế - xã hội thênh thang. Lại càng thênh thang khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Cũng từ đây, hàng trăm đô thị, thị tứ mọc lên. Cũng từ đây, hàng trăm khu công nghiệp lấn sân những cánh đồng màu mỡ, mang lại thu nhập kinh tế cao hơn bao giờ hết. Cũng từ đây, văn hóa làng, vốn trải hàng nghìn năm được coi là thành lũy và hạt nhân của văn hóa dân tộc đã bước vào những thử thách, những tác động vừa âm thầm, lan tỏa, vừa dữ dội, cuốn hút...
Sức mạnh của đồng tiền và văn hóa ngoại lai đã từ đó xâm nhập vào tâm can con người, tạo ra sự phân rã các thành phần xã hội sâu sắc. Cũng từ đây, di sản văn hóa của tiền nhân có nguy cơ bị buông thả, hàng chục vạn các di tích lịch sử – văn hóa ở hầu khắp các vùng miền đang bị xuống cấp hoặc có nguy cơ bị hủy diệt; các cặp quan hệ từ gia đình đến dòng họ, xóm làng, xã hội dần bị sứt mẻ, thậm chí bị phá vỡ; môi trường văn hóa mà hạt nhân là văn hóa làng bản đã và đang bị bao phủ bởi sự suy thoái về đạo đức, nhân cách con người...
Đứng trước thực trạng cấp bách đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng như một dấu mốc mới, bên cạnh việc quan tâm đến những vấn đề chiến lược, đại sự quốc gia về an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, đã lần đầu tiên có sự tư duy mới, toàn diện về văn hóa, xác định văn hóa không chỉ “soi đường cho quốc dân đi”, mà còn thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước, giữ vai trò ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong thời đại mới.
Đứng trước thực trạng xã hội đang diễn ra, với sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” đảng viên, một bộ phận lớn trong thế hệ trẻ, vấn nạn tham nhũng, diễn biến thoái hóa của nhiều thành phần xã hội, có thể nghĩ rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức cuối năm 2021, có thể được coi là một dạng “Hội nghị Bình Than” về văn hóa để kịp thời chuyển tải “hào khí” của thời đại Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện Nghị quyết vừa được cô đọng trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ chấn hưng văn hóa, hoàn thiện các giá trị chuẩn mực, nâng dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới, xứng danh là một dân tộc có văn hóa trong lòng bè bạn năm châu.
Cũng tại Hội nghị về văn hóa này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn quan trọng đọc tại diễn đàn đã đặc biệt nhấn mạnh: Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam xứng tầm với thời đại mới, chúng ta cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả một trong những giải pháp: “...Sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người... Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”.
Thực tiễn cho thấy, gần 100 triệu con dân của cộng đồng 54 dân tộc anh em đã và đang luôn tự hào về kho tàng di sản văn hóa khổng lồ, đa dạng, giàu có về giá trị của các dân tộc do các thế hệ tiền nhân sáng tạo, gìn giữ, trao truyền cho hậu thế. Hàng chục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như danh lam thắng cảnh của đất nước đã được UNESCO vinh danh vào hàng di sản văn hóa nhân loại. Hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa đã được xét duyệt là di tích quốc gia đặc biệt. Hàng chục nghìn di sản đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, thành phố. Hàng trăm nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác dù chưa được xếp hạng ở các làng bản nhưng đã và đang là điểm tựa tinh thần và góp phần xây dựng thiết chế văn hóa cộng đồng, được cộng đồng tin yêu, gìn giữ và trở thành môi trường thực hành tín ngưỡng văn hóa mang giá trị tích cực với đời sống văn hóa xã hội ở hầu khắp các làng bản trên phạm vi cả nước.
Lễ hội cồng chiêng Tây nguyên - một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
Trong hệ thống không gian văn hóa khổng lồ đó, đa phần các chủ điện thờ là các danh nhân, anh hùng đã có công hy sinh vì dân vì nước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc trải suốt nhiều nghìn năm qua. Đây cũng là không gian văn hóa thiêng liêng góp phần nuôi dưỡng và gìn giữ các giá trị và hệ giá trị văn hóa gia đình, dòng họ, làng xóm và hệ giá trị văn hóa quốc gia qua các thế hệ, thông qua các thực hành tín ngưỡng và sinh hoạt lễ hội tôn vinh, tri ân các anh hùng, danh nhân bằng các hình thức khác nhau, vừa sinh động hấp dẫn vừa đa dạng và ẩn chứa những ý nghĩa cũng như giá trị văn hóa sâu sắc, trở thành hạt nhân và sức mạnh mềm, quy tụ, nối kết sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong điều kiện phát triển xã hội đương đại. Đấy là chưa kể, đang còn hàng nghìn di tích trong dạng phế tích với những giá trị lịch sử - văn hóa khác nhau do các điều kiện chủ quan và khách quan từ khí hậu, chiến tranh và con người đã bị hủy hoại, hoang phế rất cần được đầu tư kinh phí, sức lực để phục dựng.
Xuất phát từ thực tiễn đã và đang đặt ra, những chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta, với nhận thức “văn hóa còn thì dân tộc còn”, đã không ngừng quan tâm, chỉ đạo, định hướng và có những quyết sách ở những cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau, đáp ứng mục tiêu “ bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”.
Hàng loạt các Chương trình hành động hoặc Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được ban hành với lượng kinh phí đầu tư lớn, đáp ứng nhu cầu đang đặt ra tại các địa phương. Song hành với quá trình ban hành, quán triệt và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, những chục năm qua, hầu khắp các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước đã có chủ trương đúng đắn trong việc vận động công tác xã hội hóa phục vụ sự nghiệp bản tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại các dòng họ, làng bản ở hầu khắp các địa phương. Nhờ công cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao, nhiều thiết chế văn hóa ở các thôn bản đã được đầu tư xây dựng, trang bị, góp phần nâng cao nhận thức và bồi đắp đời sống văn hóa cũng như xây dựng môi trường văn hóa thích hợp, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, cũng nhìn vào thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đã và đang hiện tồn một dung lượng quá lớn các di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại hàng vạn thôn bản trên phạm vi cả nước đã và đang có nguy cơ xuống cấp hoặc bị hủy hoại, biến mất, rất cần được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa các cấp tại các địa phương “nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa” – như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 2021.
Nhận thức được những vấn đề đã và đang đặt ra trong thực tiễn với hàng chục vạn di tích lịch sử - văn hóa và thiết chế văn hóa đang cần được đầu tư tu bổ, nâng cấp, xây dựng..., thì kế hoạch chuẩn bị dự kiến đầu tư cho các địa phương đáp ứng một phần nhu cầu “chấn hưng văn hóa” có lẽ cũng là thực tế phù hợp và có độ tin cậy nhất định. Có như thế, sự nghiệp “chấn hưng văn hóa” trong điều kiện phát triển xã hội đương đại mới mang ý nghĩa thiết thực và có giá trị.
Theo Arttimes
baophutho.vn Tối 22/11, tại sân khấu Bảo tàng Hùng Vương (thành phố Việt Trì), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật...
baophutho.vn Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An vừa tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Phú Thọ - Nghệ An kết nối miền di sản”. Đây là hoạt động nằm...
Tập ghi chép của tác giả Minh Tự khắc họa nét đẹp trong văn hóa, lối sống của người Huế, được biểu tượng hóa bằng hình ảnh cây hoàng mai, loài cây cảnh đặc trưng trong các nhà vườn Huế.
Sau buổi ra mắt đặc biệt, " Vầng trăng thơ ấu" - bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ giai đoạn Người theo cha mẹ lần đầu ra Huế sinh sống, sẽ tiếp tục chờ để có cơ hội đến...
(Đọc tập thơ “Phép màu”- Nxb Kim Đồng, 2024 và những bài thơ viết cho thiếu nhi của Trương Thiếu Huyền)
baophutho.vn “Ăn no rồi lại nằm khoèo/Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem”
Mới đây, bộ phim thuộc thể loại cổ trang-lãng mạn-kịch tính “Người vợ cuối cùng” do đạo diễn Victor Vũ thực hiện, được giới chuyên môn đánh giá cao khi tạo dựng nên bối cảnh...
Thông điệp sâu sắc nhất mà cuốn sách muốn hướng tới là việc gìn giữ tình hữu nghị giữa các quốc gia vì nền hoà bình chung trên toàn cầu.
Mỗi bộ phim như một lời tri ân tới vị Cha già dân tộc, một chiến sỹ quốc tế lỗi lạc, người đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng) là một trong những vở kịch đặc sắc nhất, có thể xem là một kiệt tác của nhà soạn kịch đầy...
Cuốn sách "Sài Gòn" là những hồi ức sống động và dữ dội của cậu bé Michael (chính là tác giả của cuốn sách) về Sài Gòn, Việt Nam trong những năm 1963-1965.
Những món đồ xưa cũ mang trong mình tiếng nói, nỗi niềm, để khi ta chạm vào là chạm cả một miền ký ức yêu thương.