{title}
{publish}
{head}
Tác phẩm “Cây bút & cây súng” (truyện ký, NXB Hồng Đức, 2017) của các nhà văn - nhà báo khóa 12, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi nghĩ, rất phong phú đa dạng, không chỉ về thể loại (trích tiểu thuyết, truyện ngắn, nhật ký, bút ký, hồi ký,..), mà đa dạng về chủ đề, phong cách, bút pháp. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Khi viết bài giới thiệu tác phẩm này, tôi trước tiên chú ý đến những cây bút nữ. Như thế liệu có khuynh nữ ?! Nhưng “Không có người phụ nữ thì không có mặt trời, không có người anh hùng và cũng không có thi nhân” như một danh ngôn.
Những cây bút nữ - đấy là Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Hà Phương và Phạm Thụy Chóng. Năm cây bút nữ “như năm ngón tay trên một bàn tay”. Người nữ, theo cách nghĩ thông thường, chỉ cần làm “nội tướng” trong một nhà, là hậu phương lớn của người đàn ông. Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm. Là công dung ngôn hạnh. Là cơm ngon canh ngọt. Là người mang về hòa khí trong một ngôi nhà nhỏ có ngọn lửa ấm. Vậy nhưng các chị (Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Hà Phương) đã không thua kém nam nhi, cũng “xếp bút nghiên theo việc binh đao”. Đúng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Đúng là phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Giã biệt trường học, giã biệt bao dự định cuộc đời của người phụ nữ ở vào thời kì trăng rằm, các chị đi chiến trường khi tóc còn xanh. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà văn Dương Thị Xuân Quý gửi lại con thơ cho bố mẹ hai bên để đi chiến trường cùng chồng - nhà thơ Dương Hương Ly (tức Bùi Minh Quốc). Đi để trải nghiệm, đi để lấy chất bột gột nên hồ cho những trang viết tương lai. Đi để biết đất nước núi rộng sông dài. Đi để biết Nhân dân vĩ đại. Đi để biết thế nào là chiến tranh hủy diệt. Đi để biết con người Việt Nam đã sống và chiến đấu như thế nào trong mưa bom bão đạn. Có lẽ cái câu “Sống rồi mới viết” mà nhà văn Nam Cao đề lên như một phương châm hành động của người cầm bút trong thời đại mới vẫn không hề cũ. Những áng văn các chị viết có thể ngay trong chiến tranh, hoặc sau chiến tranh, nhưng có điểm chung là mỗi câu chữ đều cất lên tiếng nói của sự thật. Một sự thật trần trụi, không tô vẽ. Viết sự thật như nó vốn có.
Tác phẩm “Cây bút & cây súng”
Như trong nhật ký của Hà Phương ghi: “Mình đang phá “ấp chiến lược” trên toàn cơ thể. Thật khủng khiếp” (“ấp chiến lược” đây là cái áp xe mông, là cái “phồng cồi” trong mũi, người cứ xanh lét). Nhưng ấn tượng hơn cả là: “Một năm vào đời, mình đã đi bằng đôi chân gần 2000 km, nhưng đó cũng mới là đoạn đường đầu tiên thôi” (Nhật ký chiến trường - Ngày đầu nhận việc). Các thế hệ em út hôm nay đọc đến đây chắc không thể hình dung nổi khi mà mỗi bước chân ra khỏi nhà là ngồi trên một phương tiện hiện đại nào đó. Nhật ký ắt hẳn chính xác, trung thành. Ai dám bịa!?
Vũ Thị Hồng viết vừa tỉnh táo vừa run rẩy Có ai thỉnh một hồi chuông (2015). Đọc và biết một huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, có 8000 liệt sỹ đã có tên và hơn 3200 liệt sỹ chưa xác định rõ tên tuổi, quê quán ở khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu và nằm lại trên đất Duy Xuyên. Đây là một chuyến đi thực hành tâm linh. Những câu chữ giản dị viết ra từ tâm can xúc động: “Tôi thắp một nén nhang, thành kính dâng lên ban thờ. Ai đó vừa thỉnh một hồi chuông. Tiếng chuông trong vắt cứ ngân nga mãi trong bầu thinh không vắng lặng, trong làn khói nhang lãng đãng bao phủ cả ngôi đền”. Tác phẩm có cái cấu tứ “chuông nguyện hồn ai”.
Nguyễn Thị Ngọc Hải với Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống (nhận Giải B văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, được dịch sang tiếng Anh và in ở một tạp chí của Mỹ). Đề tài “Đi tìm đồng đội” không có gì mới, nhiều người đã viết. Nhưng tác giả có con đường riêng của mình - con đường từ trái tim đến trái tim: “Bà cụ cầm trên tay từng khúc xương con, lặng lẽ khóc. “Nào tôi có thể tưởng tượng được có ngày nó trở về thế này. Cách đây một năm xã đã làm truy điệu, một trăm viên gạch xây mộ, làm bia chứ xương cốt làm gì có... Đúng con đây rồi Kiên, hồi nhỏ con bị gãy đùi trái...”. Đó thực sự là những con chữ nén chặt nghĩa. Ai bảo đấy là văn chương “minh họa”, “phải đạo”? Nói thế mà không cắn rứt lương tâm sao?!
Trần Thị Thắng làm thơ viết văn xuôi đều như “hai tay hai súng”. Tôi đã đọc chị không được nhiều, nhưng có ấn tượng từ Hoa cúc dại (thơ) và Tháng không ngày (tiểu thuyết). Lần này chị góp vào tập sách một Lên đường. Đọc không phân biệt được những chuyện được viết ra bằng một giọng bình tĩnh là ngay sau dấu vết nòng hổi của sự kiện hay là hồi ức: “Những nấm mộ nằm lặng im không hương khói. Những tấm sắt tây đục tên tuổi, treo trên cọc gặp gió xoay xoay. Nhiều mộ chí không còn bia, chỉ còn một núm đất bằng chiếc mũ cối với nhúm cỏ vừa được mùa mưa lôi sống dậy” (437 mộ Liệt sỹ tại C25). Không cần trưng ra nhiều sự kiện, bài viết đã đi vào lòng người và để lại ấn tượng, hơn thế là ám ảnh nghệ thuật (nửa đêm tỉnh giấc, người viết bài này cứ như nghe rõ tiếng xủng xoảng của những tấm sắt tây đục tên tuổi người lính hi sinh giữa chốn đại ngàn Trường Sơn).
Cây bút & cây súng của Phạm Thụy Chóng được dùng đặt tên cho cả tập sách chung của 12 thành viên cùng lớp. Đọc mới biết nghề làm báo vất vả đến nhường nào ngay cả với nam giới, huống hồ là phụ nữ. Đọc mới biết tường tận hơn qua ngôn ngữ văn chương cái không khí trận mạc vào một thời điểm lịch sử đáng nhớ (tháng 2/1979), đã lùi cách xa mấy chục năm. Nhưng như còn hiển hiện hai năm rõ mười. Đó là những địa danh đã đi vào lịch sử như đồi Chậu Cảnh, đỉnh Mẫu Sơn, ải Chi Lăng. Đó là những người lính trẻ trên đỉnh Mẫu Sơn không nghĩ đến gian khổ hi sinh chỉ lo cho mấy phóng viên nữ trèo đèo lội suối vất vả khi tác nghiệp. Đó là những nữ chiến sĩ hậu cần đã gánh trên những đôi vai bé nhỏ lương thực thuốc men tiếp tế cho đồng đội với tinh thần và nghị lực như Thái Sơn.
Tác phẩm của “phái mày râu” trong Cây bút & cây súng có cái chất mạnh mẽ, can trường. Tất nhiên. Đọc thấy toát lên một sự giản dị, chân thành đúng theo nguyên lý “Cái đẹp là sự giản dị”. Đó là Chúng tôi thành chiến sĩ của Nguyễn Bảo, Chuyện nhỏ của một thời và của một đời của Nguyễn Bá Thâm, Những ký ức không phai của Hoàng Đình Chiến, Ngôi sao con gái của Dương Trọng Dật, Nhật ký Trường Sơn của Khuynh Diệp. Thật khiêm tốn khi các anh chỉ viết “chuyện nhỏ của một thời và của một đời”. Nhưng đó đúng là “những ký ức không phai”. Dù viết về sự kiện nào, con người nào thì tác phẩm của các anh cũng đều toát lên cái tinh thần chung của thời đại “chiến trường giục giã bước hành quân”, “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Tôi cũng đã đọc những tiểu thuyết Thượng Đức, Đỉnh máu của Nguyễn Bảo. Có lẽ những trang văn thấm đẫm không khí chiến trận và vẻ đẹp bi hùng của người lính bắt đầu phôi thai từ “chúng tôi thành chiến sỹ” chăng?!
Trong khóa 12 khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có hai người ra đi mãi mãi không trở về. Hai liệt sỹ - Nguyễn Hồng và Đặng Luận. Nguyễn Hồng để lại Đêm cao điểm. Khó rành rẽ về thể loại. Nhưng chỉ biết đó là một tác phẩm văn chương đích thực được viết ngay tại mặt trận đường 19, tháng 11/1972. Tác phẩm về sau nhận Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội, 1974.
Khi viết Lời giới thiệu cho bộ sách Văn thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước (Nxb Hội Nhà văn, 2014) tôi đã đọc rất kĩ bài viết của Nguyễn Bảo Cây súng & cây bút (về trường hợp hy sinh của Nguyễn Hồng). Một chi tiết cuối bài làm không riêng tôi thực sự xúc động: “Sau ngày nhận được tin báo tử Cục chính trị Quân khu tổ chức lễ truy điệu và truy tặng Huân chương chiến công cho Hồng. Đông nghịt. Điều tôi không ngờ là lại gặp cô giao liên đã dẫn tôi và Hồng hôm đi Quảng Đà. Bạn đọc có tin không? Cô buộc một dải khăn tang trên đầu, tay cầm một bó hoa tươi bước thẳng tới bàn thờ đặt ảnh của Hồng. Cô òa khóc trước sự ngỡ ngàng của không biết bao nhiêu người. Cô gái ấy tên là Mai. Tôi đoán là người mảnh mai nhưng dẻo dai, dịu dàng nhưng kiên quyết, trầm lặng nhưng không tẻ nhạt...Tôi nghĩ, độc giả tha hồ mà tưởng tượng về cô gái đặc biệt này. Ai bảo “khi đại bác nổ thì họa mi ngừng hót”?!
Một bản luận văn viết dở của Thái Kế Toại là quá đầy đủ về một Con Người viết hoa. Không phải là phê bình mà là chân dung văn học về liệt sỹ Đặng Luận. Anh Thái Kế Toại học khóa 13, nhưng khi viết đã nhập vai cùng nhân vật với tư cách đồng môn, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí. Thái Kế Toại viết nắn nót nhưng giàu chất văn. Tình cảm và lí trí chan hòa: “Từ “nơi gần mặt trời nhất” anh đã ra đi. Người con trai của đất Tổ sông Hồng tìm đến Cửu Long (...). Nhiều bạn sinh viên đồng ngũ lần lượt trở về. Nhưng Đặng Luận không về nữa (...). Một quả bom đã rơi trúng khẩu đội của anh ở trận địa Trảng Dù, trên đường tiến về Sài Gòn (...). Những người bạn ở đơn vị cũ vẫn nhắc đến anh, người khẩu đội trưởng hay cởi trần mỗi khi kéo pháo, bao giờ cũng đứng đầu dây và thét nhịp “Nào, dô ta”. Họ nhớ cái cười dễ tính, cái nheo mắt, giọng hài hước khi kể chuyện vui, chuyện tếu và những bài thơ của anh, những bài thơ được đọc cho đơn vị nghe và hòa vào tiếng súng của đơn vị”.
Thiển nghĩ, không có gì thay thế được việc đọc trực tiếp tác phẩm Cây bút & cây súng của 12 anh, chị em khóa 12 khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những người đã gắn một thời tuổi trẻ với chiến tranh. Một khóa học đã cho “ra lò” những người con, những công dân chân chính của Đất nước thời chiến tranh. Họ là những cây bút tâm huyết trong nghiệp văn, nghề báo. Bài viết của tôi là sự tri ân công lao các anh, chị đi trước. Rất có thể tôi còn chưa nói hết được những điều các anh, chị ký thác và mong muốn. Nhưng đành lòng vậy cầm lòng vậy! Xin được các anh, chị rộng lượng. Có thể khẳng định, Cây bút & cây súng là tác phẩm thuộc dòng văn chương lưu giữ ký ức lương thiện, có cái năng lực “neo chữ” - viết, như là hành động để chống lại sự lãng quên lịch sử và con người.
Bùi Việt Thắng/Thời báo Văn học nghệ thuật
Học giả Nga lưu giữ những cuốn sách của các bậc lão thành cách mạng Việt Nam như “Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh,” hay “Cách mạng tháng Mười vĩ đại và Việt Nam.”
Về học Khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du, ngoài anh em ở các địa phương khác, còn có Hà Đình Cẩn, Phùng Khắc Bắc, Lê Hoài Nam, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Tính là các anh, các...
Bộ phim khắc họa xúc động hình ảnh những người lính hải quân luôn vững vàng tay súng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu bộ sách “Những anh hùng trẻ tuổi”, viết về những anh hùng đã chiến đấu và...
Tháng 3 năm 1967, một đoàn sinh viên năm thứ tư, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về thực tập tại các đại đội Thanh niên xung phong thuộc đội N57 tỉnh Lạng Sơn. Các...
Là một nhà văn hóa lỗi lạc, có tâm hồn yêu văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận ra giá trị của văn hoá là hồn cốt của dân tộc, hiểu, xác định đúng và rõ vai...
Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ấn hành cuốn sách Trở về trong giấc mơ . Đó là câu chuyện cảm động về mối tình thời chiến của cầu thủ bóng đá trẻ với nữ diễn viên...
“Once upon a bridge in Vietnam” là bộ phim tài liệu đầu tiên về Việt Nam của đạo diễn Bibonne với mong muốn kết nối Pháp và Việt Nam thông qua âm nhạc trong hành trình tìm về cội nguồn.
Những ngày cuối xuân, núi rừng Tây Bắc bạt ngàn sắc trắng hồng của những đoá ban và những bông hoa đào nở muộn, còn sót lại. Màu hoa lẫn với màu trời bàng bạc, bảng lảng sương...
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954-21/7/2024) và 70 năm giải phóng Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024),
Ban tổ chức sẽ chọn 117 tác phẩm vào vòng chung khảo: Báo in chọn 25 tác phẩm; Báo điện tử chọn 25 tác phẩm; Phát thanh chọn 22 tác phẩm; Truyền hình chọn 25 tác phẩm; Ảnh báo...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia...