Buổi ra mắt bộ phim Vầng trăng thơ ấu tối 5-6 tại TPHCM có sự tham gia của dàn diễn viên chính gồm: bé Phạm Hữu Đại – người thủ vai Nguyễn Sinh Cung (tên của Bác Hồ khi còn nhỏ), bé Lưu Văn An – người thủ vai Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ), diễn viên Ngô Lệ Quyên (vai bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác Hồ).
Diễn viên Bạch Công Khanh – người đảm nhận một phân cảnh duy nhất cuối phim, khi Bác Hồ bước vào giai đoạn thanh niên, với tên gọi Nguyễn Tất Thành cùng một số diễn viên nhí trong vai những người bạn của Bác Hồ giai đoạn sống ở Huế cũng góp mặt.
Riêng diễn viên Trần Việt Bắc (vai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Bác Hồ) vắng mặt tại sự kiện.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cùng các diễn viên tại buổi công chiếu, tối 5-6.
Đặc biệt, vì hầu hết các bé đều không sinh sống tại TPHCM nên các em đều phải bay từ quê nhà vào dự sự kiện công chiếu đặc biệt bộ phim.
Chị Minh Hải, mẹ bé Phạm Hữu Đại cho biết hai mẹ con có mặt tại TPHCM vào chiều 5-6, ít giờ trước khi sự kiện diễn ra.
Trước đó chị từng chia sẻ, sau khi bộ phim quay xong và chờ thời gian hậu kỳ, cả gia đình đều rất háo hức mong chờ đến ngày phim được khởi chiếu chính thức và để được xem phần thể hiện của con trên màn ảnh rộng.
Các diễn viên nhí hồn nhiên giao lưu với khán giả.
Trong phần giao lưu, các diễn viên nhí đều gây ấn tượng với các khách mời bởi vẻ hồn nhiên, đáng yêu. Bé Phạm Hữu Đại với chất giọng Nghệ An đặc sệt cho biết quá trình tham gia bộ phim có rất nhiều kỷ niệm. Em nhớ nhất có ngày quay, cả đoàn phải chạy lũ...
Đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum đặc biệt gửi lời cảm ơn các diễn viên nhí đã gắn bó với đoàn phim trong khoảng thời gian 2 tháng khi thực hiện bộ phim trong điều kiện rất nhiều khó khăn: nắng, mưa, gió...
Chia sẻ về lý do quyết định thực hiện bộ phim này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phim Giải Phóng, cho biết, mỗi năm, nhà nước đặt hàng cho các hãng phim do nhà nước quản lý 1 tác phẩm.
"Trước đây có nhiều phim về đề tài Bác Hồ nhưng đa phần ở giai đoạn khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Riêng giai đoạn thời niên thiếu của Bác, hầu như chưa hãng nào làm. Tôi đã đi tìm tài liệu, xây dựng ý tưởng, mời biên kịch Đặng Thanh Bình chắp bút. Sau đó, kịch bản này từng đoạt giải 3 cuộc thi sáng tác kịch bản của Cục Điện ảnh. Chúng tôi đã đề nghị phía Cục xin nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất bộ phim này”, ông Tiến Hưng chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, việc chọn làm phim giai đoạn này trong cuộc đời Bác Hồ không chỉ có giá trị về lịch sử, còn mang tính giáo dục, định hướng cho giới trẻ về lòng yêu nước. Toàn bộ các chi tiết được tái hiện trên phim, gồm cả phần hư cấu đều dựa trên tài liệu, giai thoại của các nhà sử học đang sinh sống tại Huế cung cấp, cố vấn.
Đông đảo đồng nghiệp, khách mời đến chúc mừng lễ ra mắt bộ phim.
Theo tiết lộ của ông Tiến Hưng, bộ phim được nhà nước cấp kinh phí sản xuất là 20 tỷ đồng.
Sau khi được công chiếu vào đúng dịp kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2024), phía Công ty cổ phần Phim Giải Phóng sẽ có văn bản gửi Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL xin cơ chế phổ biến rộng rãi bộ phim đến với khán giả, đặc biệt trong các trường học. Ông kỳ vọng, phim sẽ ra rạp trong tháng 6 này.
Theo Sài Gòn Giải Phóng