Cập nhật:  GMT+7

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Xác định chuyển đổi số (CĐS) có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh..., vì vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực ứng dụng các giải pháp công nghệ trong quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, kiến tạo giá trị mới, mở ra cơ hội phát triển.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Công ty CP Giấy Việt Trì tích cực ứng dụng CĐS, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động.

Thích ứng tạo giá trị

Chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của vùng Đất Tổ, vì vậy, việc đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè được coi là hướng đi quan trọng. Để góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt mục tiêu đề ra, bắt kịp xu hướng thị trường thời 4.0, Công ty TNHH chè Hoài Trung - xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đã ứng dụng khoa học- công nghệ, CĐS trong sản xuất, tiêu thụ chè nhằm nâng cao vị thế, chất lượng cho sản phẩm.

Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung cho biết: Tận dụng tiềm năng, lợi thế từ cây chè của quê hương, sau thời gian dài kỳ công tìm hiểu, nghiên cứu, đến nay, Công ty đã thành công với sản phẩm chè Đinh cao cấp Hoài Trung đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, cấp Quốc gia; chè Xanh đặc sản, chè Nhài cao cấp đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm chè của Công ty TNHH Chè Hoài Trung đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.

Để có được kết quả này, thời gian qua, Công ty luôn bắt nhịp với CĐS, trong đó, toàn bộ diện tích canh tác chè đều theo hướng an toàn VietGAP, đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động để tiết kiệm nước, đổi mới công nghệ chế biến, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, tích cực quảng bá sản phẩm, giới thiệu, bán sản phẩm trên nền tảng số như Postmart, Lazada, Shopee... và các trang mạng xã hội”...

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Khách hàng Đài Loan (Trung Quốc) truy suất nguồn gốc sản phẩm của Công ty TNHH chè Hoài Trung.

Nhờ ứng dụng CĐS, Công ty TNHH chè Hoài Trung đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất bền vững, doanh số bán hàng ngày càng tăng, từ 40% đến 50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 40%, đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70- 100%.

Hiện nay, các sản phẩm chè được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu với một số nước như: Đức, Uzbekistan, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan, Iraq... Hiện Công ty tạo việc làm ổn định cho 15-20 người, bình quân thu nhập đạt từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Là một trong những DN của tỉnh đi đầu trong thực hiện CĐS, thời gian qua, Công ty Điện lực Phú Thọ đã tập trung CĐS vào mọi mặt hoạt động kinh doanh, hướng tới phục vụ khách hàng ngày càng hoàn hảo hơn. Đến nay, 11/11 nhiệm vụ CĐS được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao đã được Công ty Điện lực Phú Thọ thực hiện hiệu quả; 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; số công tơ điện tử có khả năng thu thập dữ liệu từ xa đạt tỷ lệ trên 85%/ tổng số công tơ bán điện vận hành trên lưới. Tỷ lệ thu thập dữ liệu đo xa trung bình toàn Công ty duy trì đạt tỷ lệ trên 96%...

Hoạt động CĐS thể hiện rõ nét nhất phải kể đến đó là tại Trung tâm điều khiển của Công ty với hệ thống Scada đã giám sát, điều khiển vận hành 17/17 TBA 110kV trên địa bàn tỉnh ở chế độ không người trực. Công ty cũng đã cải tạo, đầu tư các thiết bị đóng cắt thông minh trên các đường dây trung áp để tích hợp kết nối giám sát điều khiển từ xa vào hệ thống Scada phục vụ chạy các chương trình tự động hóa lưới điện trung áp (DMS), từ đó giúp bộ phận Điều độ viên điều hành lưới điện tối ưu và rút ngắn rất nhiều thời gian mất điện khi bị sự cố.

Cùng với đó, để đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch với ngành điện, đồng thời không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng, Công ty đã triển khai các ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ kinh doanh; cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử; triển khai nhiều tiện ích cho khách hàng đặc biệt là ứng dụng chăm sóc khách hàng.

Đồng chí Phạm Hồng Hạnh - Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: Với mục tiêu của CĐS là mang lại lợi ích cho khách hàng. Công ty đã tăng cường công tác tuyên truyền tới khách hàng cài đặt và sử dụng App EVNNPC.CSKH để sử dụng các tiện ích như: Kiểm tra chỉ số công tơ, sản lượng tiêu thụ hằng ngày, tra cứu lịch cắt điện, hóa đơn tiền điện... để khách hàng được biết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm số yêu cầu của khách hàng gọi lên tổng đài và phiếu xử lý trên CRM. Với cách làm bài bản, chủ động, quyết liệt, trong thời gian qua, Công ty Điện lực Phú Thọ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện CĐS mạnh mẽ, hiệu quả và toàn diện, đưa Công ty trở thành DN số vào năm 2025.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Công nhân Công ty Điện lực Phú Thọ áp dụng khoa học công nghệ vào vận hành lưới điện.

Trên thực tế, CĐS đã giúp DN tạo nên sự bứt phá trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, tiếp cận, ứng dụng công nghệ số sẽ là cơ sở để giải quyết nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động của DN, từ quản trị DN, quản lý nhân sự, tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh hay xây dựng văn hóa DN...

Chìa khóa để phát triển bền vững

Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát động chương trình CĐS trong DN. Thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, ban hành Chương trình hỗ trợ CĐS cho DN giai đoạn 2023-2025; nghiên cứu, đề xuất giải thưởng CĐS trong DN nhằm khuyến khích, động viên các DN tích cực trong triển khai thực hiện CĐS. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở KH&ĐT, Đảng ủy khối DN tỉnh... khảo sát thực trạng CĐS trong DN trên địa bàn; lựa chọn các DN có khả năng áp dụng CĐS vào hoạt động để hướng dẫn, hỗ trợ.

Các DN viễn thông lớn như VNPT, Viettel, Mobifone đã cung cấp, hướng dẫn, hỗ trợ, triển khai các giải pháp CĐS cho hơn 200 DN trên địa bàn, trong đó tập trung đối với các giải pháp hoá đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, điểm danh tự động qua nhận diện khuôn mặt, tổng đài hỗ trợ chăm sóc khách hàng, họp trực tuyến, thực tế ảo...

Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS quyết định sự sống còn của mình, nhiều DN đã chủ động đầu tư mua sắm dây chuyền tự động hóa cao; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nâng cấp máy tính, đường truyền, phần mềm công nghệ thông tin, đồng thời quan tâm đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CĐS.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ ứng dụng CĐS trong công tác tổ chức đào tạo, sinh viên thực hành trên mô hình điều dưỡng đa năng kết nối Monitor.

Hiện nay hầu hết các DN đã triển khai ứng dụng phần mềm cơ bản như: Kê khai và nộp thuế điện tử, thực hiện khai báo hải quan điện tử, kho bạc điện tử, bảo hiểm điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng. Các DN khối ngân hàng cùng một số DN lớn hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, bưu điện, điện lực, hóa chất, giấy, sản xuất gạch men, sứ... đã đầu tư dây chuyền tự động hóa vào sản xuất; xây dựng website riêng, thiết kế và vận hành các bộ giải pháp sản xuất, kinh doanh trực tuyến, phần mềm quản lý nhân sự, khách hàng; sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa... qua đó giúp DN tạo thêm giá trị mới, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm chi phí sản xuất và quản lý.

Cùng với những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn DN chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết tâm CĐS, chưa dành nguồn lực để đầu tư CĐS trong DN. Đồng chí Nguyễn Minh Tường - TUV, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Thời gian tới, các DN phải xác định CĐS là cơ hội đồng thời là xu thế bắt buộc. Vì vậy, cần có sự quan tâm đúng mức, đầu tư cho cả nguồn nhân lực thực hiện CĐS lẫn cơ sở hạ tầng. Sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu từ công tác quản lý DN, đến quản lý sản phẩm, chuỗi cung ứng để tạo ra các giá trị mới, giá trị vượt trội. Khai thác thế mạnh của thương mại điện tử để lan tỏa sản phẩm của mình.

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh đã giao về hỗ trợ của cơ quan Nhà nước trong CĐS DN, Sở TT&TT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ CĐS trong DN, phối hợp với các cơ quan có liên quan thống nhất và triển khai chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN. Phát huy vai trò tiên phong trong CĐS của các DN viễn thông, công nghệ thông tin, đồng thời huy động nguồn lực, sản phẩm, dịch vụ của các DN viễn thông, công nghệ thông tin trong hỗ trợ các DN khác CĐS.

Anh Thơ


Anh Thơ

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
2024-10-04 08:48:00

baophutho.vn Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM,...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long