Cập nhật:  GMT+7

Địa đạo Kỳ Anh - thành đồng trong lòng cát trắng

Chúng tôi đến với mảnh đất Quảng Nam anh hùng, nơi ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Trong số những dấu tích oai hùng ngày xưa để lại phải kể đến Khu di tích địa đạo Kỳ Anh, đây là địa đạo lớn thứ 3 trong cả nước, chỉ sau địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) và địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).

Địa đạo Kỳ Anh - thành đồng trong lòng cát trắng

Đình Thạch Tân nhìn từ trên cao, phía dưới là hệ thống Địa đạo Kỳ Anh (ảnh: Báo Quảng Nam)

Tôi sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất nguồn cội Đất Tổ nhưng quê ngoại thân thương của tôi lại ở Quảng Nam. Quảng Nam - mảnh đất từng hứng chịu bao mưa bom bão đạn, mảnh đất có số lượng Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất cả nước với hơn 15.000 bà mẹ, trong đó mẹ Thứ là hình tượng tiêu biểu của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với sự cống hiến, hy sinh vô bờ bến khi có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ.

Chuyến thăm quê lần này, tôi được các đồng nghiệp Báo Quảng Nam đưa đi thăm Địa đạo Kỳ Anh thuộc xã Kỳ Anh trước đây (nay là xã Tam Thăng), thành phố Tam Kỳ. Được hình thành trong bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh chống Mỹ vào giai đoạn quyết liệt nhất, Địa đạo Kỳ Anh đã ghi dấu những chiến công từ trong lòng đất nơi chiến trường Quảng Nam đầy ác liệt những năm 1964 - 1975.

Địa đạo Kỳ Anh - thành đồng trong lòng cát trắng

Đường vào Đình Thạch Tân và hệ thống Địa đạo Kỳ Anh

Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ chừng 7 km về hướng đông bắc, Tam Thăng trở thành địa bàn cửa ngõ và căn cứ địa để các đơn vị bộ đội của tỉnh, của Tam Kỳ và cán bộ, lực lượng vũ trang địa phương giấu quân. Thử hình dung, trên một vùng cát trắng bị chia cắt bởi 2 con sông, nằm cạnh các đồn bót địch như Tuần Dưỡng (Thăng Bình), An Hà (Tam Kỳ) và cách tỉnh đường Quảng Tín chỉ vài cây số đường chim bay, lại có hệ thống địa đạo dài xấp xỉ 32 km được âm thầm đào suốt từ năm 1965 đến 1969. Trong lòng địa đạo, có đoạn từng giấu đến 3 tiểu đoàn, và ước có sức chứa 1.500 người. Hệ thống hầm bí mật trong lòng đất đó đã giúp quân và dân ta trụ bám, đánh địch, trở thành một thành đồng lũy thép của lòng dân.

Địa đạo Kỳ Anh - thành đồng trong lòng cát trắng

Ông Huỳnh Kim Ta giới thiệu về hệ thống Địa đạo Kỳ Anh

Bước chân đến địa đạo, chúng tôi được gặp ông Huỳnh Kim Ta, là người được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt nhất trên mảnh đất Thạch Tân này. Hiện nay ông Huỳnh Kim Ta trông coi khu di tích lịch sử cách mạng và là người hướng dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu địa đạo. Ông Ta giới thiệu cho chúng tôi về đình Thạch Tân, ngôi đình cổ được xây dựng từ hơn 300 năm trước, gắn liền với việc khai canh, khai cơ thờ các bậc tiền nhân. Đình là một bộ phận quan trọng của hệ thống Địa đạo Kỳ Anh... Tháng 5/1965, để cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ vội vàng xua quân vào miền Nam Việt Nam. Cùng với quân ngụy và chư hầu, chúng thực thi chiến dịch: “Bình định nông thôn”, “Tiêu diệt và Bình định” mở rộng chiến dịch “về làng”, bắt bớ càn quét, đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng. Kỳ Anh là xã vừa giải phóng và có phong trào du kích hoạt động mạnh mẽ nên địch tổ chức hành quân càn quét dữ dội, lùng sục vây bắt, nhiều chiến sĩ cách mạng và dân lành vô tội bị tra tấn, thủ tiêu.

Địa đạo Kỳ Anh - thành đồng trong lòng cát trắng

Hướng dẫn đường thăm các điểm di tích tại Địa đạo Kỳ Anh

Trước tình hình chiến tranh ác liệt, Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh quyết tâm thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết “bám đất, bám làng” tận dụng mọi thời cơ đánh địch. Kỳ Anh là xã vùng cát, địa hình địa vật bất lợi cho việc tác chiến, ẩn nấp, bảo toàn và phát triển lực lượng tiến hành chiến tranh du kích lâu dài, địch càn sẽ phát hiện và tiêu diệt lực lượng ta một cách dễ dàng. Từ thực tế và trước yêu cầu của cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ, muốn giữ vững căn cứ địa, chống lại sự đánh phá, lấn chiếm của kẻ thù bảo tồn lực lượng và làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng. Vì vậy, Đảng bộ xã Kỳ Anh đã quyết định xây dựng địa đạo làm nơi ẩn quân, giấu quân an toàn, nơi chuẩn bị lực lượng, vũ khí trước khi đánh địch.

Địa đạo Kỳ Anh - thành đồng trong lòng cát trắng

Học sinh tham quan gian trưng bày lịch sử tại Địa đạo Kỳ Anh

Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài địa đạo khoảng 32km, nằm dưới mặt đất chừng 1,6m, chiều rộng từ 0,5-0,8m, chiều cao khoảng 0,8-1m, chiều dài các đoạn Địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn (trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp, nhằm đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn ném xuống, ta dễ dàng bịt kín ngăn đoạn còn lại để thoát tránh thương vong). Địa đạo là mạng lưới đường hầm gồm: Hầm cứu thương, hầm chỉ huy, hầm tác chiến, hầm chứa lương thực, theo dạng bàn cờ, quanh co, uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các bờ tre, mương nước, bụi rậm, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã, trong đó quy mô và sử dụng địa đạo có hiệu quả nhất là ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình. Miệng hầm nằm trong các nhà dân, gian bếp, chuồng bò, đình, bụi tre, giếng nước, gốc cây... và được ngụy trang cẩn thận không để địch phát hiện.

Địa đạo là thành trì vững chắc giúp quân và dân Kỳ Anh trụ bám đánh địch mỗi khi chúng càn quét, bảo tồn lực lượng, tổ chức phản công và giữ vững địa bàn. Đồng thời là nơi ẩn nấp của các cán bộ bám trụ sát dân, nắm chắc từng địa bàn được phân công phụ trách, đáp ứng được yêu cầu đánh địch, bảo tồn lực lượng. Địa đạo Kỳ Anh cũng là nơi tổ chức sơ cấp cứu thương binh, nơi tiếp tế lương thực cho lực lượng vũ trang quân khu, tỉnh đội góp phần lập chiến công hiển hách oai hùng.

Trong 10 năm chiến tranh giữ nước đau thương, gian lao mà anh dũng ấy, quân và dân xã Kỳ Anh đã đánh địch 1.052 trận, loại địch ra khỏi vòng chiến đấu 3.751 tên, trong đó 55 tên Mỹ, diệt 57 tên ác ôn, bắt sống 150 tên, diệt gọn 5 trung đội dân vệ và biệt lập, một đại đội biệt kích, một trung đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng 6 trung đội dân vệ, 3 đại đội và 3 tiểu đoàn Cộng hòa, bắn cháy 3 máy bay, 15 xe quân sự, thu 500 súng các loại.

Ông Huỳnh Kim Ta cho biết: Cả thôn đến nay chỉ có hơn 260 hộ dân nhưng có đến 59 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 200 liệt sĩ và nhiều gia đình có công cách mạng. Năm 1994, xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Địa đạo Kỳ Anh - thành đồng trong lòng cát trắng

Du khách vào tham quan đường hầm địa đạo dịp 30/4

Là Di tích lịch sử cấp quốc gia, một địa chỉ đỏ của du lịch TP.Tam Kỳ nên nhiều năm nay, Địa đạo Kỳ Anh là điểm đến của học sinh các trường học trong thành phố và các địa phương lân cận. Ông Ta cho hay, hằng tuần hoặc vào những dịp ngoại khóa, nhiều trường tiểu học, THCS cho học sinh đến đây tham quan và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng, nhất là vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4. Thế nhưng, theo thời gian, Địa đạo Kỳ Anh đã xuống cấp, tuy nhiên do nguồn đầu tư hạn hẹp nên khó có thể đầu tư, tôn tạo. Bộ VH-TT&DL từng cảnh báo nguy cơ một số đoạn địa đạo Kỳ Anh bị sập vùi mất dấu vết do “chưa được quan tâm đúng mức”. Đó cũng là điều chúng tôi trăn trở, băn khoăn khi chia tay Địa đạo Kỳ Anh, chia tay xứ Quảng - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung.

Việt Hà


Việt Hà

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Người có uy tín ở Tân Phú

Người có uy tín ở Tân Phú
2024-11-16 07:47:00

baophutho.vn Với vai trò là người có uy tín tại khu 1, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, ông Đinh Công Đón đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, phát...

Phát động Tháng Công nhân

Phát động Tháng Công nhân
2024-04-24 11:48:00

baophutho.vn Ngày 24/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động...

Khai mạc Hội sách Đất Tổ năm 2024

Khai mạc Hội sách Đất Tổ năm 2024
2024-04-23 11:13:00

baophutho.vn Ngày 23/4, tại Bảo tàng Hùng Vương, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Khai mạc Hội Sách Đất Tổ năm 2024. Tới dự có đồng chí Hồ Đại Dũng - Ủy...

Tăng ca dọn vệ sinh sau mưa dông

Tăng ca dọn vệ sinh sau mưa dông
2024-04-21 17:14:00

baophutho.vn Sáng 21/4, những bóng áo xanh của công nhân Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Việt Trì đã miệt mài làm việc không ngơi tay...

Khánh thành khu vui chơi tại Bệnh viện Sản nhi

Khánh thành khu vui chơi tại Bệnh viện Sản nhi
2024-03-31 12:50:00

baophutho.vn Ngày 31/3, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh Phú Thọ, Công ty giải trí Sen Vàng, tổ chức Giọt nắng và Hoa hậu...

Phấn đấu hoàn thành 160 nhà “Đại đoàn kết”

Phấn đấu hoàn thành 160 nhà “Đại đoàn kết”
2024-03-23 12:33:00

Nhằm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ủy ban MTTQ tỉnh,...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long