Cập nhật:  GMT+7

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Kỳ II: Chiến thắng của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình

Chiến thắng 30/4/1975 là một trang vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cả dân tộc đã làm nên cuộc trường kỳ kháng chiến ròng rã 21 năm để giành được độc lập, thống nhất nước nhà. Cùng với quân và dân cả nước, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, tỉnh Phú Thọ đã huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Kỳ II: Chiến thắng của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình

Giờ học ngoại khóa của các em học sinh Trường THPT Vũ Thê Lang về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam và giải phóng miền Nam là mục tiêu quan trọng nhất, có tác động chi phối đến phong trào cách mạng ở địa phương. Trong mỗi thắng lợi của cách mạng giải phóng miền Nam, có sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ.

Trong thời gian từ 1955-1964, tuy được sống trong hòa bình, Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn hướng về đồng bào miền Nam đang phải chịu đựng ách thống trị của Mỹ- Ngụy bằng những hành động thiết thực như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” và có hơn 22.460 thanh niên xung phong lên đường chiến đấu, bổ sung cho các chiến trường.

Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khí thế đánh Mỹ dâng lên thành cao trào sôi nổi trong toàn tỉnh. Nhiều phong trào hành động cách mạng được phát động trong toàn dân như: Phụ nữ “Ba đảm đang”, Thanh niên “Ba sẵn sàng”, “Tay cày, tay súng”... Đây không chỉ là những khẩu hiệu có sức cổ vũ rất lớn mà còn là lẽ sống, niềm tin, phương hướng hành động thu hút và thôi thúc quần chúng sẵn sàng xả thân, chiến đấu, hy sinh với ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong 10 năm (1965-1975), tỉnh Phú Thọ vượt chỉ tiêu 10,7% kế hoạch tuyển quân mà Bộ Quốc phòng giao cho.

Trong 2 lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Phú Thọ đã huy động hơn 10 vạn ngày công để phục vụ chiến đấu, xây dựng 461 trận địa phòng không Nhân dân; trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

Trên các chiến trường, con em của quê hương Đất Tổ có mặt, kề vai, sát cánh cùng Nhân dân miền Nam, Nhân dân Lào, Campuchia chiến đấu. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 92.782 thanh niên nhập ngũ, gần 4.000 thanh niên nam, nữ xung phong chống Mỹ, cứu nước. Trong số các chiến sĩ lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều đồng chí đã trở thành Anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ như: Trần Văn Thọ, Vũ Thanh Sơn, Nguyễn Hữu Quyền, Hà Kiện Toàn, Nguyễn Vi Hợi... Toàn tỉnh Phú Thọ có gần 16.000 người hy sinh trên các chiến trường, trên đất bạn anh em; hơn 12.380 thương, bệnh binh; hơn 10.000 người bị nhiễm chất độc hóa học...

Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Phú Thọ được tặng thưởng 2 Huân chương kháng chiến hạng Nhất; 1 Huân chương chiến công hạng Nhất, 210 Huân chương kháng chiến cho các đơn vị, khu phố, xí nghiệp, 22 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng. Năm 1985, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ được Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng về thành tích đóng góp to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Không có gì quý hơn độc lập tự do

11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, cổng Dinh Độc Lập đã bị xe tăng của quân đội ta húc đổ, lá cờ Quân Giải phóng tung bay ngay tại tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc. Từ đây, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam thống nhất một dải. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng hoàn toàn miền Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thành quả tổng hợp của các nhân tố: Sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; là sức mạnh của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của cả dân tộc Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do;” là cuộc chiến đấu dũng cảm, thông minh của cả nước mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương; là sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hòa bình trên thế giới.

Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4 tháng 12/1976, Đảng ta đã nhận định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời đại sâu sắc.

Ngày 30/4/1975 không chỉ là ngày của chiến thắng mà còn là ngày để chúng ta nhìn lại, tự hào về những gì đã qua, để tiếp tục viết nên những trang sử mới cho đất nước. Tại buổi gặp mặt đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, điệp báo, biệt động Sài Gòn, du kích, cựu Thanh niên xung phong dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi của ý chí quật cường, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn là biểu tượng của khát vọng độc lập dân tộc, tự do và hòa bình. Đó là kết tinh của bao xương máu, hy sinh anh dũng của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước.

Chiến công của những người con trên quê hương Đất Tổ góp phần khẳng định khí thế hào hùng, tinh thần quả cảm, vinh quang nhưng cũng đầy mất mát, đau thương của cả dân tộc để đất nước giành được độc lập. Đó cũng là quyết tâm sắt đá của toàn thể dân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tin liên quan:
  • Kỳ II: Chiến thắng của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình
    Kỳ I: Ký ức thời hoa lửa

    Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ của quân và dân ta đến thắng lợi cuối cùng, để non sông thu về một mối, đất nước sạch bóng quân xâm lược. Để làm nên chiến thắng vang dội ấy, biết bao người con quê hương Đất Tổ không tiếc tuổi xuân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Huy Thắng - Hà Trang


Huy Thắng - Hà Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Kỳ I: Ký ức thời hoa lửa

Kỳ I: Ký ức thời hoa lửa
2025-04-28 07:40:00

baophutho.vn Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ của...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long