Cập nhật:  GMT+7

Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời

Tôi lớn lên dưới mái nhà tranh gầy guộc liêu xiêu thơm mùi khói cơm chiều lửa đỏ, câu hát à ơi men theo vách thời gian đổ bóng xuống lời ru khi mẹ tôi tuổi đã xế chiều.

Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời

Ảnh minh họa

Có những trưa Hè nắng như thiêu như đốt, tôi chân đất đầu trần, nghe tiếng í ới gọi nhau sau rặng tre mà trốn mẹ trốn cha rong chơi cùng lũ bạn. Bãi mía nương dâu làm nơi để trốn tìm, đuổi bắt. Chơi chán thì rủ nhau đi đào trộm củ sắn củ khoai... Chỉ một lúc thôi là mặt đứa nào cũng đen nhẻm và lem luốc với củ khoai hay bắp ngô nướng vội, tiếng cười trong trẻo rộn vang đan vào những lọn tóc đã ướt nhẹm, bết đầy bụi đất lẫn mồ hôi. Chẳng đứa nào bảo đứa nào, nhưng giây phút đó chúng tôi chỉ muốn nhảy ào xuống dòng sông tắm mát để xua đi cái bụi bặm và nóng nực của trưa Hè.

Con sông quê yên bình bỗng chốc trở nên náo nhiệt khi bọn con gái cổ vũ, reo hò cho những đứa con trai tinh nghịch lộn nhào những vòng santo đủ kiểu trước khi vươn những cánh tay dài sải mình trên sóng nước. Chúng tôi thi nhau ngụp lặn và mất hút dưới lòng sông tươi mát, mặc kệ tiếng gọi vang dội cả khúc sông của những ông bố bà mẹ với chiếc roi dài và to tổ bố, hứa hẹn những trận đòn nảy lửa sắp xảy ra.

Rồi những buổi chiều Hè trên triền đê lộng gió, chúng tôi ngồi vắt vẻo trên lưng trâu nơi đồng vắng, thả những cánh diều giấy bay cao, xa tận cuối chân trời. Tiếng sáo diều dập dìu cùng mây gió, như tiếng lòng của những đứa trẻ thơ khát khao về một tương lai đủ đầy, tươi sáng. Chẳng ai nói, chẳng ai hay, nhưng mặt đứa nào cũng rạng ngời hạnh phúc, ước mơ cha giờ đây tiếp nối cuộc đời con.

Khi nắng vàng chỉ còn loang lổ trên mặt dòng sông, những đàn chim mỏi cánh chao nghiêng bay về tổ ấm, đó cũng là lúc chúng tôi lững thững dắt trâu về. Bản đồng dao nhỏ dần vì đứa nào cũng phần nhiều thấm mệt. Khói cơm chiều bảng lảng trên mái rạ khiến chiếc bụng sục sôi với điệu nhảy tango vì cơn đói cồn cào.

Sau bữa cơm tối, tôi nằm trên chiếc võng đung đưa để nghe bà kể chuyện. Những câu chuyện cổ tích từ trong sách vở, hay câu chuyện về những năm kháng chiến chống giặc lẫy lừng của ông cha theo hơi nồng của miếng trầu phả vào tâm hồn suốt cả tuổi thơ tôi. Cứ thế, bà vừa gãi lưng cho tôi vừa phe phẩy chiếc quạt mo mà tưởng như dịu mát cả đêm Hè. Dưới ánh trăng vàng như rót mật, tôi nhắm mắt lim dim rồi chìm vào giấc ngủ trong câu hát ru ầu ơ ví dặm của bà.

“Ầu...ơ...Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời... Ầu ơ”.

Vào mùa gặt, khi trời vẫn còn thấm đẫm giọt sương đêm, lũ trẻ chúng tôi lại tíu tít gọi nhau nhảy nhót lên chiếc xe thồ lạch cạch nối đuôi nhau ra đồng từ buổi sớm. Trên xe lỉnh kỉnh nào nước, nào khoai và cơ man là bánh. Chỉ nhìn thôi mà nước miếng cũng đã chảy thành dòng.

Chúng tôi chạy khắp cánh đồng để chơi trò rượt đuổi, nô đùa không biết chán. Chỉ khi ông mặt trời bắt đầu hắt những ánh nắng chói chang xuống ruộng lúa vàng ươm đang nứt toác vì khô hạn, và những bó lúa được chất lên chiếc xe thồ đầy ú ụ, thì chúng tôi mới lại nhảy phốc lên xe để theo về tuốt những bó lúa bằng máy tuốt đạp chân.

Những bàn chân chai sần của cha của mẹ cứ thoăn thoắt đưa lên đưa xuống nhịp nhàng và bó rơm được ném vun vút chất thành từng đống, nhiệm vụ phơi rơm dĩ nhiên là của những đứa con nít chúng tôi. Bước chân dịu êm hơn khi mặt đường làng được phủ đầy những sợi rơm vàng óng, chú trâu đủng đỉnh nhai những cọng rơm còn xanh mát hương vị của đồng quê sau lũy tre làng.

Tất cả những kỉ niệm đó như những thước phim cũ kĩ được cất giấu trong nhà kho kí ức, dẫu có thể bị phủ mờ bởi lớp bụi của thời gian nhưng chẳng bao giờ mất được. Bởi vậy mà mỗi lần đọc bài thơ “Chăn trâu đốt lửa” của cố thi sĩ Đồng Đức Bốn lòng tôi lại rưng rưng bồi hồi khó tả, tuổi thơ xưa, nay có dịp được ùa về.

“Chăn trâu cắt cỏ trên đồng

Rạ rơm thì ít gió Đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”.

Tôi chỉ được ở bên mẹ ngót nghét những tháng năm của tuổi thơ khờ khạo, đến khi chập chững lên mười cũng là lúc mẹ đi bước nữa, tôi rời nhà vào cô nhi viện, cứ thế rồi đằng đẵng xa quê cho tới tận bây giờ.

Có lẽ vì tôi quá mẫn cảm nên những đêm đầu lên thị trấn, trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn thường bị đánh thức bởi âm thanh của những cô lao công quét rác:

“Đêm con nằm nghe tiếng chổi tre

Mà nước mắt chảy dài trên má

Con muốn đổi thân quen thành lạ

Để rồi vào lớp học ngày mai”

Suốt thời niên thiếu mẹ và bà đã luôn có mặt ở đó, dịu dàng dung chứa tuổi thơ tôi. Bây giờ bà không còn, mẹ có gia đình mới, khiến những bước chân phiêu bạt của tôi khi trở về quê cũng chông chênh đến lạ. Mãi đến khi mái đầu đã điểm sương với tâm từ đủ lớn, trên vai đã thôi mang giỏ chất đầy ưu phiền của phàm phu tục tử như những ngày trẻ dại chập chững vào đời... Tôi mới đủ tự tin trở về trong một chiều thu man mác, những mong được ngồi bên hiên nhà nghe lại câu hát à ơi vọng từ xưa cũ.

Như gốc cây khô bị người tiều phu đốn ngã, tôi bần thần tựa mình vào hàng cau trước cổng, nơi từng ngóng mẹ đi làm đồng về cuối mỗi buổi chiều hôm. Mẹ tất bật lo toan cơm áo gạo tiền chỉ để cuối chiều nhìn thấy nụ cười ấm trên môi của đứa con thơ vẫn còn ngờ nghệch. Người đánh đổi cả cuộc đời bằng những vết đồi mồi trên gương mặt đã sạm đen vì rám nắng, nếp gấp thời gian hằn sâu trên vầng trán và những vết chân chim nơi khóe mắt thâm quầng, những mong tương lai con là ngày mai tươi sáng. Có yêu thương nào đáp đền được hết sự hi sinh...

Nhớ những ngày trời mưa tầm tã, tôi ngồi bên bậu cửa lần nhổ những sợi tóc sâu đã bạc sờn vai mẹ... Giờ tóc trắng thôi bay mà nước mắt rưng rưng loang lổ cả chiếc áo nâu sòng. Gió Thu không thổi nữa, chiếc lá vàng cũng chẳng cố nổi để đừng rơi.

Bà dẫu có là người của muôn năm cũ, nhưng tất cả những kí ức về người sẽ chẳng mờ phai. “Cõi trầm luân nghìn trùng ở cả hai nghĩa đen và bóng. Giá có thể yểu mệnh để gặp lại người, con sá gì những năm tháng phù du...” – Toại Khanh.

Tôi bây giờ chỉ như người lữ khách của quê hương với đôi chân mải miết lang thang qua bao miền sơn khê phảng phất mùi cỏ dại. Chọn núi non làm nhà, chim muông làm bạn, thứ hành trang cho một cuộc phù sinh là y bát trong tay đã thấm đẫm những câu chuyện đời, chuyện đạo. Dẫu vậy, vẫn xin gửi niệm thương bất tận tới quê hương trong suốt cuộc hành trình, dù không vẹn tròn nhưng đẹp lắm, vì mình đã từng có mặt cho nhau.

Núi sáng nay mưa...

Theo Cỏ Phong Sương (Văn học trẻ)


Theo Cỏ Phong Sương (Văn học trẻ)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Một thời đi cất vó tôm

Một thời đi cất vó tôm
2024-04-26 12:47:00

Vùng ngoại thành quê tôi ngày ấy là một khu vực trũng, thấp với rất nhiều ao hồ, đầm phá và mương máng. Vì vậy, tôm, cua, cá, ốc, hến... sinh sôi nảy nở rất nhiều, rất nhanh....

Mù u và gòn

Mù u và gòn
2024-04-25 08:29:00

Mù u và gòn là hai loại cây vô cùng quen thuộc ở vùng nông thôn. Có khi chúng tự mọc dại, có khi được người dân trồng để lấy bóng mát, lấy gỗ. Hầu như không một đứa trẻ nào lớn...

Lối về mùa xuân

Lối về mùa xuân
2024-04-22 10:46:00

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao...

Thi pháp và đẳng cấp văn chương

Thi pháp và đẳng cấp văn chương
2024-04-22 07:42:00

Nhớ một lần, tại phòng làm việc của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, tôi trao đổi với nhà thơ Hữu Thỉnh về những tác giả, tác phẩm Ban Văn học Công nhân dự định mời tham...

Mật ngọt của mùa màng

Mật ngọt của mùa màng
2024-04-18 22:41:00

Nếu trên bầu trời xanh, mây trắng kỳ ảo thì dưới tán cây dịu mát là cả một sự sinh tồn lặng lẽ. Nào là lộc biếc, hoa, trái ngọt, nào là tiếng chim và cả những cánh ong bay xây...

Tản văn: Gia đình tôi

Tản văn: Gia đình tôi
2024-04-18 21:53:00

Chúng tôi thương ba mẹ gồng gánh nuôi nấng các con. Ba mẹ đem đến cho chúng tôi tình yêu thương vô bờ bến, một tuổi thơ đầy ắp tiếng cười...

Phía sau những tấm mành rối nước

Phía sau những tấm mành rối nước
2024-04-18 08:04:00

baophutho.vn Đến hẹn lại lên, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, dưới mái thủy đình cong cong tại hồ Khuôn Muồi, Khu di tích lịch sử Đền Hùng,...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long