Cập nhật:  GMT+7

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I, Người đã căn dặn “Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới. Khi khó nhọc chúng ta cùng gắng sức, lúc thái bình chúng ta cùng hưởng chung”.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững

Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thăm, tặng quà người uy tín có uy tín xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn).

Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Nhiều chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đồng loạt được triển khai nhằm cải thiện đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Phú Thọ tự hào là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi giao thoa, hội tụ của các dân tộc. Toàn tỉnh có 13 huyện, thành, thị trong đó có 10 huyện miền núi, 183 xã, thị trấn miền núi; có 50 dân tộc cùng chung sống, trong đó có trên 250 nghìn người DTTS, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy; có 4 DTTS sống tập trung thành làng bản có bản sắc văn hoá và phong tục tập quán riêng đậm nét đó là dân tộc Mường, Dao, Cao Lan (Sán Chay) và dân tộc Mông; trong đó, dân tộc Mường có dân số đông nhất với trên 218 nghìn người, chiếm 84% dân số là người DTTS và 14,3% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, trên cơ sở các chương trình, chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch, nghị quyết triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN kịp thời, đồng bộ.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn duy trì và giữ vững. Qua đó góp phần tạo niềm tin của Nhân dân các dân tộc vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; thúc đẩy phát triển KT-XH, từng bước phát huy nội lực vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn.

Thành quả đó được thể hiện thông qua hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả khả quan. Công tác đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động được chú trọng; hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo, cận nghèo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; ưu tiên phát triển KT-XH đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống...

Tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 cụm công nghiệp: CCN Tân Phú (huyện Tân Sơn), CCN thị trấn Yên Lập và CCN Đồng Lạc (huyện Yên Lập) góp phần giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 6-8 triệu đồng/người/tháng, giúp đồng bào “ly nông không ly hương”, ổn định cuộc sống ngay trên đất quê hương. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm tăng thêm cho gần 10.000 lao động là người DTTS. Có 2.000 người DTTS đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc, thiết thực giúp các hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS đầu tư cho sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; làm thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo, xóa dần tính trông chờ, ỷ lại trợ cấp của Nhà nước.

Công tác giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm triển khai có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nội dung trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa đã phát huy hiệu quả tích cực làm thay đổi căn bản diện mạo bản làng vùng đồng bào DTTS. Đồng bào đã dần từ bỏ các hủ tục lạc hậu, tập quán quảng canh chuyển sang sản xuất thâm canh, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đời sống từng bước ổn định và phát triển.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn được gìn giữ và phát triển.

Đặc biệt 3 Chương trình MTQG đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo các huyện miền núi. Tiêu biểu, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình 1719) giai đoạn 2021-2024, Phú Thọ được phân bổ gần 1.230 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 360 tỷ đồng; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 1.552 tỷ đồng. Các chương trình, chính sách đã phát huy được hiệu quả đầu tư các nguồn vốn kết hợp với nội lực của đồng bào DTTS&MN. Từ đó, kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện; bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN thay đổi toàn diện.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể được chú trọng. Hoạt động của HĐND, UBND các cấp vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều đổi mới. Vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS không ngừng được phát huy, thực sự là cầu nối của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể với đồng bào DTTS, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

5 năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”; trong công tác xây dựng hệ thống chính trị; trong tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS&MN...

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2029:
- Giảm hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS xuống dưới 10%.
- Thu nhập bình quân/người/năm của người DTTS bằng 1/2 bình quân của tỉnh.
- 100% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ.
- 60% tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo.
- 100% dân số DTTS tham gia bảo hiểm y tế.
- 97% hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- 100% xã, thôn có nhà văn hóa...

Thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Phú Thọ lần thứ III - năm 2019, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cơ bản đã hoàn thành, có những chỉ tiêu vượt mục tiêu Đại hội đề ra. Công tác dân tộc và các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai tích cực, hiệu quả. Sự nghiệp phát triển KT-XH, giảm nghèo đạt được kết quả nổi bật, nhất là ở địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn.

Cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện, diện mạo vùng nông thôn miền núi có nhiều thay đổi theo hướng tích cực; đời sống của Nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt, chất lượng cuộc sống của Nhân dân được nâng lên; thu nhập bình quân của người DTTS đạt 37 triệu đồng/người/năm, tăng 1,75 lần so với năm 2019.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn. Hết năm 2023, toàn tỉnh có 8.590 hộ nghèo DTTS, chiếm 10% so với tổng số hộ DTTS; bình quân hộ nghèo DTTS giảm 1,34%/năm. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc.

Với Chủ đề: “Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững”, Đại hội thứ IV - Năm 2024 là dịp cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được giai đoạn 2019-2024, đồng thời đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 2024 - 2029, nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển bền vững.

Cầm Hà Chung

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Gìn giữ thanh âm xứ Mường

Gìn giữ thanh âm xứ Mường
2024-11-17 10:31:00

baophutho.vn Xã Kiệt Sơn (huyện Tân Sơn) có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Từ bao đời nay, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long