Đồn Biên phòng Ga Ry tổ chức nghi thức chào cột mốc quốc giới cho cán bộ, nhân dân xã Ch’ơm. Ảnh: Trúc Hà
Đồng hành cùng nhân dân
Không chỉ xa xôi, xã Ch’ơm còn được biết đến là địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Tây Giang khi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đường sá không thuận lợi là những trở ngại để đưa vùng biên này vươn lên thoát nghèo. Trước những khó khăn của chính quyền địa phương và nhân dân, cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry đã và đang có những nỗ lực giúp nhân dân thay đổi cuộc sống bằng những việc làm cụ thể.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã mang đến nhiều cơ hội cho phụ nữ vùng biên này. Không chỉ hỗ trợ nhu yếu phẩm, nhà ở, chương trình còn tặng cây, con giống, tổ chức mô hình để hướng đến sự bền vững. 5 năm qua, mô hình trồng đẳng sâm cho gia đình phụ nữ khó khăn ở xã Ch’ơm đã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng cũng như năng suất. Các hộ dân tham gia đã có sự thay đổi đáng kể về thu nhập.
Với phương châm “Nhà hảo tâm góp tiền, BĐBP góp sức”, Đồn Biên phòng Ga Ry đã bàn giao nhiều ngôi nhà mới cho các gia đình khó khăn trên địa bàn quản lý. Những ngôi nhà mới kiên cố, vững chãi không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng biên cương, mà còn tạo nên thế trận lòng dân vững chắc.
Ông Ta Ngôn Ooi (thôn A Tu 1, xã Ch’ơm) cho biết: “Tháng 6 vừa qua, Đồn Biên phòng Ga Ry và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang đã tặng gia đình tôi căn nhà “Mái ấm tình thương”. Tôi được biết, số tiền 60 triệu đồng gia đình tôi nhận được là từ nguồn đóng góp của hội viên phụ nữ huyện. Đồn Biên phòng Ga Ry cũng cử cán bộ, chiến sĩ xuống giúp ngày công để tiết kiệm chi phí. Gia đình tôi rất xúc động khi được ở trong căn nhà mới, không còn sợ mùa mưa lũ nữa”. Đồn Biên phòng Ga Ry cũng tranh thủ nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để hỗ trợ, chia sẻ phần nào khó khăn cho các em yên tâm đến trường.
Không chỉ đồng hành cùng người dân trong việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry cũng luôn chú trọng, quan tâm việc trang bị những kiến thức về pháp luật cho người dân, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức mới mẻ, dễ thu hút người dân. Ngày 3/5/2024, tại cột mốc số 692, Đồn Biên phòng Ga Ry tổ chức nghi thức chào cột mốc quốc giới cho cán bộ, nhân dân xã Ch’ơm.
Tại đây, cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry giới thiệu về lịch sử hình thành đường biên giới quốc gia; vị trí, ý nghĩa của hệ thống đường biên, mốc quốc giới; tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; thông tin tình hình các hoạt động nổi lên trên địa bàn, định hướng phát huy vai trò của địa phương, quần chúng nhân dân và học sinh trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đơn vị cũng đã tặng 200 lá cờ Tổ quốc cho Ban nhân dân 7/7 thôn và 7 tổ tự quản đường biên, cột mốc xã Ch’ơm. Dịp này, Đồn Biên phòng Ga Ry biểu dương, tặng học bổng cho 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó trong học tập, mỗi suất 1 triệu đồng.
Không quên những ngày gian khó
Thực tế cho thấy, tinh thần “Việt - Lào anh em” luôn được chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Ga Ry và nhân dân các bản giáp biên của xã Ch’ơm với các bản Lào đối diện là Abưl và Bhanoon (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông). Tình anh em đó là mối quan hệ thân tộc đã có từ lâu đời, được tôi luyện, thử thách khi người dân hai bên biên giới luôn kề vai, sát cánh cùng đi qua gian khó để ngày hôm nay, cuộc sống độc lập, tự do, hòa bình, người ta lại càng không thể quên nhau.
Trong các hoạt động được tổ chức nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, những người lính Biên phòng cũng như đồng bào các dân tộc ở Ch’ơm luôn nghĩ đến người dân ở các thôn giáp biên phía đối diện. Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2024 do Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang, UBND xã Gari, Ch’ơm tổ chức, những phần quà cũng được gửi tới những hộ khó khăn ở Abưl và Bhanoon để người Lào cùng vui Xuân, đón Tết với người Việt. Những năm qua, Đồn Biên phòng Ga Ry luôn là địa chỉ tin cậy để UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Tây Giang thông qua tổ chức hỗ trợ, cấp phát gạo cho nhân dân các bản giáp biên của Lào vào những dịp giáp hạt.
Sự quan tâm đặc biệt có thể thấy rõ khi hằng năm, Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp với UBND xã Ch’ơm tổ chức Chương trình “Tết Bunpimay - ấm tình hữu nghị nhân dân biên giới Việt Nam - Lào”. Mới đây nhất, ngày 12/4, chương trình “Tết Bunpimay” được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Tuyên truyền lịch sử mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Lào, pháp luật về biên giới; kết quả thực hiện mô hình "Kết nghĩa bản - bản”; tặng 160 suất quà (700 nghìn đồng/suất), 20 bộ quần áo thể thao, 700 bộ quần áo cho Đại đội Bảo vệ biên giới 534 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông), Trạm Công an Kà Lừm (Công an tỉnh Sê Kông), chính quyền và nhân dân hai bản Abưl, Bhanoon.
Ngoài ra, cắt tóc miễn phí, giao lưu văn nghệ, bóng chuyền, bữa cơm đoàn kết giữa nhân dân các bản đối diện với nhân dân các thôn A Tu 1, Ch’nốc (xã Ch’ơm), cấp ủy, chính quyền xã Ch’ơm và cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Dịp này, Đồn Biên phòng Ga Ry cũng nhận hỗ trợ 1 học sinh tại bản Bhanoon theo chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, nâng số học sinh đơn vị nhận hỗ trợ ở các bản đối diện lên 2 học sinh.
Gần đây nhất, ngày 5/8, Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp với Công ty Yody Phương Anh tặng 300 suất quà cho nhân dân các bản Abưl, Bhanool, huyện Kà Lừm và các thôn A Tu 1, A Tu 2, Đ’hung, xã Ch’ơm, gồm mì tôm, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, 300 cuốc, xẻng, xà beng, 35 đèn năng lượng mặt trời, 1.000 bộ quần áo, 300 đôi ủng và 500 cây giống, tổng kinh phí 300 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Phúc Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết: “Thông qua các hoạt động giao lưu, tặng quà, chúng tôi tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biên giới. Đồng thời, việc làm này cũng nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung, cùng nhau xây dựng biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển”.
Trúc Hà/ Báo biên phòng