Cập nhật:  GMT+7

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, kỳ vọng bứt phá

Đà phục hồi từ cuối năm 2024, đã tạo cơ hội bứt phá cho hoạt động sản xuất công nghiệp tỉnh Phú Thọ trong những tháng đầu năm 2025. Ngành công nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm 2025.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, kỳ vọng bứt phá

Công ty TNHH YB Việt Nam (Cụm công nghiệp Bãi Ba - Đông Thành, huyện Thanh Ba) chuyên sản xuất mô tơ rung cho điện thoại di động, sản phẩm phục vụ xuất khẩu thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tăng trưởng ấn tượng

Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Phú Thọ quý I/2025, ghi nhận đà phục hồi rõ nét với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, sản xuất duy trì ổn định, các doanh nghiệp có quy mô lớn, các dự án trọng điểm hoạt động hiệu quả là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Cùng với đó, việc triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chủ lực, quyết định quy mô, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng so với cùng kỳ, trong đó nhiều ngành chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 72,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 70,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 41,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 23,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 22,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,3%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: Máy tính xách tay ước đạt gần 6 triệu sản phẩm, tăng 108,1%; phân supe phốt phát ước đạt trên 136.000 tấn, tăng 41%; giày thể thao ước đạt gần 1,3 triệu đôi, tăng 21,3%; phân NPK ước đạt 142.000 tấn, tăng 14%; xi măng ước đạt 248.800 tấn, tăng 8,6%; quần áo may sẵn ước đạt 25,4 triệu sản phẩm, tăng 1%... Nhiều yếu tố tích cực khác cũng góp phần quan trọng trong tăng trưởng của ngành công nghiệp như việc các doanh nghiệp dệt may, da giày đã có đơn hàng ổn định nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu dùng; các doanh nghiệp điện tử gia tăng sản lượng nhờ các đơn hàng xuất khẩu lớn. Thêm vào đó, việc mở rộng sản xuất và tăng cường đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp mới có quy mô cũng tạo thêm động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

Về phía doanh nghiệp, để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp trong tỉnh đã bám sát diễn biến thị trường, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất như mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa ngành nghề và sản phẩm.

Đặc thù là sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực sản xuất khác phục vụ nhu cầu đóng gói, ngành sản xuất giấy, bao bì có tín hiệu khả quan khi hoạt động của nhiều ngành công nghiệp khởi sắc. Công ty CP Giấy Việt Trì (thành phố Việt Trì) chuyên sản xuất giấy bao bì, sản lượng sản xuất hiện nay đạt trên 500 tấn giấy/ngày.

Ông Trần Văn Mạnh - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cho biết: “Năm 2025 Công ty chúng tôi đặt ra mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ đồng. Cùng với đầu tư công nghệ theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ, duy trì tốt hai kênh tiêu thụ, vừa bán trực tiếp cho các nhà sản xuất bao bì có sản lượng tiêu thụ lớn, ổn định và bán cho các thương nhân có năng lực phân phối, mở rộng thị trường. Hy vọng rằng kết quả khả quan trong quý I sẽ tạo tiền đề để thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cả năm nay”.

Ngành công nghiệp tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận những kết quả khả quan trong quý I song để duy trì đà tăng trưởng và đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên của tỉnh trong năm 2025, các doanh nghiệp cần tiếp tục nắm bắt cơ hội và ứng phó linh hoạt với thách thức từ thị trường, đồng thời, cần sự đồng hành của các cấp, các ngành.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, kỳ vọng bứt phá

Vận chuyển giấy thành phẩm phục vụ xuất hàng tại Công ty CP Giấy Việt Trì.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Từ nay đến cuối năm, bên cạnh những thuận lợi thì bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng đang tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ đã và đang có những thay đổi có thể tạo sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến chi phí và kế hoạch đầu tư, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, gỗ... Trước tình hình đó, việc theo dõi sát sao thị trường quốc tế, kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất, chủ động mở rộng thị trường là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp phát triển và từng bước nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Công ty CP Nhôm Việt Pháp (Khu Công nghiệp Trung Hà, huyện Tam Nông) chuyên sản xuất nhôm thanh định hình, nhôm thỏi, tạo việc làm cho 120 lao động, doanh thu năm 2024 đạt trên 470 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Phụ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ: “Năm 2025, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Nhôm là mặt hàng đa dạng, được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và dân dụng. Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, ngành Nhôm cũng đang đối mặt với xu hướng bảo hộ sản xuất tại nhiều thị trường lớn. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải chủ động thích ứng, linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Đặc biệt, sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cung cấp kịp thời thông tin, hướng dẫn, cập nhật chính sách để doanh nghiệp tự tin bước vào các “sân chơi” lớn hơn của thị trường toàn cầu giữ vai trò quan trọng”.

Xu thế phát triển bền vững được các nước phát triển chú trọng, các tiêu chuẩn mới liên quan đến môi trường, nguyên liệu, chuỗi cung ứng, lao động và an toàn người tiêu dùng cũng được áp dụng khắt khe hơn, điều này vừa là thách thức, vừa là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tái cấu trúc hoạt động sản xuất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với hoàn thiện hạ tầng đồng bộ; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Cùng với đó là việc đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, chương trình khuyến công; tạo điều kiện tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong cơ cấu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng và đưa các dự án vào hoạt động sớm, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho ngành công nghiệp tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Công Thương, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mới, năng lượng sạch... Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu đổi mới công nghệ, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu tại các thị trường mới; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.

Nguyễn Huế


Nguyễn Huế

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Lâm Thao phát triển sản phẩm OCOP

Lâm Thao phát triển sản phẩm OCOP
2025-04-14 08:04:00

baophutho.vn Là vùng đất có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Lâm Thao đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, đa dạng các sản phẩm...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long