Cập nhật:  GMT+7

Tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo

Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương. Đây là nền tảng, động lực để tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các trung tâm logictics... từng bước tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững...

Tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo

Kiểm tra sản phẩm điện thoại di động tại Công ty JNTC (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì).

Phát huy lợi thế

Cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc, gần sân bay quốc tế Nội Bài..., Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng là một trong những trung tâm công nghiệp đầu tiên của miền Bắc và cả nước...

Với nền tảng vững chắc và kinh nghiệm phát triển các ngành công nghiệp truyền thống cùng với cơ sở hạ tầng phát triển, Phú Thọ có đầy đủ các yếu tố cơ bản để phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. Tận dụng những lợi thế đó, những năm gần đây, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật gắn với chuyển đổi số nhằm tạo đà cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút số lượng lớn doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo

Công trường xây dựng nhà máy điện tử BYD Việt Nam tại Phú Thọ giai đoạn 2.

Đầu tư trên 269,1 triệu USD để xây dựng nhà máy điện tử BYD Việt Nam quy mô 26ha tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, Công ty TNHH Điện tử BYD (Việt Nam) là doanh nghiệp thuộc một trong những tập đoàn có tên tuổi ở Trung Quốc, có khả năng cạnh tranh cao trong lĩnh vực công nghệ mới.

Hiện tại, Công ty đã chính thức vận hành đi vào sản xuất Nhà máy giai đoạn I với hơn 7.000 lao động. Hoạt động chính là sản xuất lắp ráp máy tính bảng, thiết bị ngoại vi của máy tính, đến năm 2024, Công ty sẽ sản xuất các sản phẩm như linh kiện máy tính bảng, FLYCAM, pin, modun 4G/5G, chip viễn thông...

Hoàn thành mục tiêu đầu tư giai đoạn 1, Tập đoàn BYD đã quyết định tăng vốn đầu tư tại dự án BYD Việt Nam thêm 183,7 triệu USD để đầu tư sản xuất linh kiện điện tử gồm: Sản xuất linh kiện điện tử có thành phần gốm, thuỷ tinh, kim loại, bo mạch đồ hoạ (vốn đầu tư 178,2 triệu USD) và sản xuất pin cho máy tính bảng, điện thoại (vốn đầu tư là 5,5 triệu USD).

Ông Han Shulin - Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử BYD (Việt Nam) cho biết: “Sự quan tâm hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền với chính sách đầu tư minh bạch là yếu tố quan trọng đầu tiên để chúng tôi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, cụ thể vào tỉnh Phú Thọ. Cùng với các chính sách ưu đãi, yếu tố quan trọng nữa là vấn đề an ninh, tình hình chính trị ổn định, có thể đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý khá đầy đủ cũng là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn đầu tư. Ngoài ra, lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chăm chỉ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao. Hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế hấp dẫn tôi dừng chân đầu tư để phát triển doanh nghiệp...”.

Tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam.

Giải pháp hữu hiệu

Mặc dù hiện nay ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt mức tăng trưởng khá cao, song chủ yếu từ các dự án đầu tư của các doanh nghiệp FDI; công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài. Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn tập trung sản xuất ở những ngành giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành công nghiệp tuy đông nhưng không mạnh, chất lượng và tính chuyên nghiệp chưa cao; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; lao động kỹ thuật bậc cao, tay nghề giỏi trong các ngành sản xuất còn hạn chế.

Đối với một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực trước đây của tỉnh như giấy, phân bón... công nghệ sản xuất đến nay đã lạc hậu dẫn tới tác động tiêu cực đến môi trường, năng suất thấp và chưa cạnh tranh được với các sản phẩm trong và ngoài nước về giá cả, chất lượng cũng như mẫu mã. Trên 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống có trình độ công nghệ trung bình, chỉ có khoảng 10% có trình độ công nghệ tiên tiến, còn lại là công nghệ đơn giản và bán cơ khí.

Một số ngành như sản xuất vật liệu công nghiệp của ngành may mặc chưa chủ động được nguyên liệu, chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài... Cơ khí chế tạo quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí.

Bên cạnh đó, trên địa bàn chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn đủ tầm đóng vai trò dẫn dắt ngành và thị trường các sản phẩm chính ô tô, thiết bị đồng bộ, công nghiệp công nghệ cao...Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chủ lực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh, Phú Thọ đang nghiên cứu nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế.

Đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Xác định tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đối với sự phát triển của tỉnh, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Phú Thọ đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030 tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và có năng suất cao, theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó trọng tâm là sản phẩm hóa chất, thiết bị điện tử viễn thông, dược phẩm và thiết bị y tế và các ngành công nghiệp khác như may mặc, dệt may, da giày, thức ăn gia súc và chế biến thực phẩm; quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”.

Tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh nói chung và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói riêng. Chú trọng cải cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông thoáng và dễ thực hiện, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đồng thời tỉnh sẽ tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Trong đó, tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước, tập trung vào các dự án có quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao, dây chuyền sản xuất tiên tiến. Tỉnh cũng sẽ chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung đào tạo lao động chất lượng, tay nghề cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tăng cường hợp tác giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh trong vùng Trung du, miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô, xây dựng quy chế phối hợp, các chương trình hợp tác về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong khu vực.

Với những giải pháp đưa ra, Phú Thọ phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,4%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 18,1%/năm. Đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo phấn đấu đến năm 2030 đạt 45%...

Thúy Hằng


Thúy Hằng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Phù Ninh trồng mới trên 60ha hồng Gia Thanh

Phù Ninh trồng mới trên 60ha hồng Gia Thanh
2023-12-16 07:59:00

Năm 2023, huyện Phù Ninh đã chỉ đạo các xã trên địa bàn trồng mới trên 60ha, nâng tổng số diện tích hồng toàn huyện trên 230ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch trên 103ha;...

Tổng kết mô hình phát triển ngô sinh khối

Tổng kết mô hình phát triển ngô sinh khối
2023-12-15 14:17:00

baophutho.vn Ngày 15/12, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Sơn Phú Thọ và UBND xã Lam Sơn,...

Diện mạo tam nông

Diện mạo tam nông
2023-12-15 07:03:00

baophutho.vn Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tam Nông đã khoác lên mình diện mạo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long