Cập nhật:  GMT+7

Vì một môi trường học đường lành mạnh, hiệu quả

Hiện nay, nhiều trường học đã có những biện pháp hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, đa phần học sinh, phụ huynh, giáo viên đều ủng hộ việc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học, đặc biệt cấm sử dụng trong giờ học trên lớp đối với môn học không liên quan đến điện thoại, nhằm góp phần xây dựng môi trường học đường văn minh, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Vì một môi trường học đường lành mạnh, hiệu quả

Học sinh Trường THPT Vũ Thê Lang, TP Việt Trì tự giác cất điện thoại vào tủ đựng chung trước khi vào học.

Trên thực tế, quy định hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong trường học hoặc cấm sử dụng điện thoại trong lớp học không còn mới đối với nhiều trường học hiện nay. Ngày 15/9/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hành vi học sinh không được làm, trong đó có quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế - xã hội của địa phương, trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, Bộ GDĐT cũng đã hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy, sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.

Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên vào mục đích phục vụ học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.

Không thể phủ nhận, đện thoại thông minh chứa nhiều tiện ích (như cập nhật thông tin kịp thời, ghi chép dễ dàng, liên lạc nhanh chóng và trực quan, thanh toán tiện lợi, thư giãn với nhiều lựa chọn giải trí, định vị chính xác, lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ...) với công nghệ hấp dẫn, khiến các em dễ dàng bị cuốn hút, say mê. Nhưng nếu không có sự kiểm soát thì điều này cũng sẽ làm mất đi sự chú tâm trong học tập; nhiều nội dung trên điện thoại không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến hành vi, tính cách của các em. Đặc biệt, khi lạm dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, khiến các em trở nên thu mình, thụ động. Đáng chú ý, có trường hợp do nghiện điện thoại đã khiến các em bị lo âu, trầm cảm dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Do chưa có sự thống nhất chung nên mỗi nơi áp dụng một khác. Nhiều trường học vẫn cho phép học sinh mang điện thoại đến trường nhưng khi vào lớp học, học sinh phải tắt nguồn điện thoại hoặc chuyển sang chế độ im lặng và không được phép sử dụng; học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học đối với các bộ môn được giáo viên đồng ý để tra cứu thông tin. Cũng có nhiều trường (nhất là trường tư thục) hạn chế học sinh dùng điện thoại di động trong khuôn viên trường học, kể cả giờ ra chơi... Thực tế lâu nay đã có tình trạng học sinh mang điện thoại vào lớp học và lén lút sử dụng vào việc riêng trong giờ học như xem phim, chơi game, trò chuyện riêng... Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, từ năm học 2024 - 2025, ngành GDĐT nhiều địa phương đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn, đó là hoàn toàn không sử dụng điện thoại trong trường học.

Thạc sĩ Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam, Chuyên gia về tâm lý học đường đánh giá: "Tôi cho rằng, các trường học đang ý thức được nguy cơ, hệ lụy của việc học sinh sử dụng điện thoại quá mức cho phép. Việc sử dụng điện thoại không kiểm soát trong trường học có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề học tập của các em học sinh. Đó cũng chính là lý do Ban giám hiệu, các thầy cô và phụ huynh bắt đầu quan tâm sát sao tới việc làm thế nào để có thể giới hạn việc sử dụng điện thoại của các con trong trường học".

Vì một môi trường học đường lành mạnh, hiệu quả

Mỗi lớp của Trường THPT Vũ Thê Lang đều cử 1 bạn đại diện quản lý điện thoại trong các buổi học.

Bước vào năm học 2024-2025, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị Trưởng phòng GDĐT, các hiệu trưởng và cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định sử dụng điện thoại di động mà Bộ GDĐT đã ban hành ngày 15/9/2020.

Theo đó, tùy điều kiện thực tế, Ban Giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép, học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.

Sở GDĐT Tuyên Quang cũng đã có văn bản yêu cầu ngoài việc thực hiện quy định của bộ, các cơ sở giáo dục xây dựng nội quy, quy chế của trường, lớp học, quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học và trong khuôn viên nhà trường đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Sở GDĐT cùng Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cũng phát động phong trào “Trường học nói không với điện thoại trong buổi học”, mục tiêu chính là học sinh phổ thông không sử dụng điện thoại trong buổi học chính khóa, học thêm trong nhà trường, kể cả giờ ra chơi...

Dù hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Tuy nhiên, đa phần học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên đều ủng hộ việc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học, đặc biệt cấm sử dụng trong giờ học trên lớp đối với môn học không liên quan đến điện thoại. Qua nắm bắt dư luận, cho thấy nhiều bậc phụ huynh đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này: “Tôi không đồng tình khi cho con em mình ở trong độ tuổi tiểu học hay là THCS dùng điện thoại thông minh. Vì như thế vừa không đảm bảo được sức khỏe cho các em, khi các em chưa biết cách kiểm soát sử dụng điện thoại di động cũng như là chưa biết cách kiểm soát các nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội”; “Tôi nghĩ rằng đây là một quyết định sáng suốt. Không nên cho học sinh cấp THCS, THPT sử dụng điện thoại di động”; “Tôi ủng hộ và mong muốn thực hiện ngay trên toàn quốc, để các em tập trung vào học tập, lắng nghe thầy cô giảng bài, tiếp thu bài học được tốt hơn”...

Rõ ràng ai cũng hiểu việc hạn chế, cấm sử dụng điện thoại trong trường học đều mang mục đích là: Tăng sự tập trung của học sinh trong giờ học; khuyến khích trẻ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội an toàn; giờ ra chơi học sinh giao lưu trò chuyện với nhau... Qua thực hiện tại nhiều trường học áp dụng biện pháp cấm học sinh dùng điện thoại, đã cho thấy kết quả học tập của các em được cải thiện rõ rệt.

Đã đến lúc chúng ta cần phải có những quy định đồng bộ và rõ ràng hơn từ phía cơ quan quản lý vì một môi trường học đường lành mạnh, hiệu quả và có chất lượng.

Phạm Kim


Phạm Kim

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tạo không gian trải nghiệm cho học sinh

Tạo không gian trải nghiệm cho học sinh
2024-11-01 09:22:00

baophutho.vn Những năm qua, các nhà trường đã đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (TNHN) để cụ thể hóa, sinh động các tiết...

Kỳ II: Vị thế dẫn đầu

Kỳ II: Vị thế dẫn đầu
2024-10-29 08:46:00

baophutho.vn Dẫn đầu cả nước, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Phú Thọ đã trở thành “thương hiệu”, được Trung ương Hội đánh...

Người “gieo” chữ

Người “gieo” chữ
2024-10-28 14:45:00

baophutho.vn Con đường trở thành giáo viên nơi bản Mông của anh Sùng A Giàng gập ghềnh như chính cái dốc, cái đèo mà anh phải đi qua hằng ngày, nhưng để...

Lửa khuyến học sáng vùng Đất Tổ

Lửa khuyến học sáng vùng Đất Tổ
2024-10-28 08:32:00

baophutho.vn Bao đời nay, người dân Phú Thọ đã có truyền thống hiếu học, ý thức vươn lên bằng con đường học vấn, nỗ lực rèn luyện tài năng với khát vọng...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long