{title}
{publish}
{head}
“Viễn ca” (08/2024- NXB Văn học) là tập thơ thứ 3 của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh- một người vừa giã từ hơn 30 năm làm báo để chuyển sang làm TGĐ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.Vì thế, có lẽ tập thơ khởi đầu thời kì xuất bản mang một giá trị đặc biệt với tác giả và độc giả yêu thơ anh.
Nguyễn Tiến Thanh vốn là người không có xu hướng cách tân hay cầu kì ngôn ngữ trong thơ. Với anh, thơ phải là khúc ca của cảm xúc và dù thi sỹ có làm gì, tìm tòi ra sao, thì cuối cùng vẫn chỉ để bật lên những cảm xúc chân thành, đắm đuối nhất mà thôi. Thuở sinh viên, trong phong trào Thơ sinh viên của Đại học Tổng Hợp Hà Nội, không thể không nhắc đến chàng lãng tử Nguyễn Tiến Thanh trong những đêm thơ nồng nàn. “Đêm cư xá nhớ về đêm cư xá”. Và thơ anh đã được chép trong nhiều cuốn sổ tay sinh viên, có người còn giữ đến tận bây giờ.
Giọng điệu chủ đạo trong thơ anh là buồn, khi nhà thơ khao khát “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn”. Câu thơ chớp được cái thần của thi sỹ Nguyễn Tiến Thanh. Trong thơ, anh là kẻ bồng bột đầy mong manh trước “Chiều không tên như vết mực giữa đời/ Anh ngắt nắng xem hoàng hôn rớm máu”; nhưng lại mang tinh thần hiệp sỹ “Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát/ Đầu trần đi giữa nắng nhân gian”.
Bìa tập thơ “Viễn ca” của tác giả Nguyễn Tiến Thanh.
Đến với Viễn ca, tinh thần ấy vẫn không thay đổi: thơ chính là một hình thức sống, một nơi náu trú của cảm xúc. Có những cơn gió tình yêu thổn thức thổi qua bầu trời tháng 6 tuổi dại với một ưu thuyền ngơ ngác tim chở “gió huy hoàng”.
Nếu mùa hôm đó như anh đã
Quay lưng về phố, gió huy hoàng
Đương nhiên tháng 6 bay đầy hạ
Không một oi nồng, không tiếng vang
Nếu rừng hôm đó như anh đã
Thênh thang ngồi ngóng tóc mưa nguồn
Đương nhiên hoa cỏ triền miên thức
Chưa buồn nhưng nhớ đã mênh mông
Nếu hồ hôm đó như anh đã
Đắm một ưu thuyền ngơ ngác tim
Đương nhiên sóng vỗ miền phiêu dạt
Tím cả tà dương lẫn lục bình
(Tháng 6)
Cảm xúc không chỉ đóng khung trong không gian thơ ngây, mà còn mang cả bụi bặm phố phường với ý thơ táo bạo. Trần tục đấy nhưng rung cảm tràn trề chỉ có được ở thanh tân tuổi người- một đi không trở lại:
Có một buổi em đi lang thang phố
Muốn kê mông ngồi phệt vỉa hè
Nhưng rồi sợ bỏng từng phiến đá
Chỗ em ngồi - cháy lửa tuổi đôi mươi
Này quán cóc, cho một ly trà đá
Uống ngay đi kẻo tan mất hương trời
(Thành phố chiêm bao)
Ở góc độ nhà thơ, Nguyễn Tiến Thanh hiển lộ một trái tim ấm áp, đầy trắc ẩn. Thơ anh từ ân với tất cả, như thể chỉ một sơ suất cũng làm đau. Anh ấp iu từ đóa hoa đào như “môi hồng thắp lửa”, thương những lỡ dở, éo le. Vì thế thơ anh họa được cả mái tóc đẹp và tủi buồn trong cô đơn, “dài hơn cả nhớ mong”, cái xót tiếc mỏng mảnh phận người như phận hoa là nỗi thương vay nghệ sỹ.
Hoa đào bừng nở ven đê
Môi hồng thắp lửa, nẻo về chợ trưa
Gánh tình ra đợi người mua
Hẹn thề cũng bán mà chưa người cần
Còn đâu chim sáo tang tình
Tháng giêng đưa tết một mình sang sông
Tóc dài hơn cả nhớ mong
Phong phanh gió bấc muộn chồng tái môi...
Chợ tình hiu quạnh, thì thôi
Đường xa còn một chân trời lãng quên
(Chợ tình)
Tình yêu lứa đôi là đặc quyền trong thơ Nguyễn Tiến Thanh, thì đề tài đất nước, tuy viết không nhiều, nhưng anh đã phả vào đó hơi thơ trữ tình đầy trách nhiệm công dân. Tự hào về tổ quốc, mỗi người lính như một cột mốc sinh mệnh chủ quyền biển đảo quê hương. Đại dương đổ ập vào thơ anh, tráng lệ của trời nước và niềm khao khát được trở về đất liền, trong lòng mẹ ấm êm. Những lời anh viết giản dị nhưng đẹp như một huyền tích.
Ở đây cách quê nhà bao hải lý?
Cánh hải âu chở nắng đến chân trời
Tên chiến sĩ điệp trùng như sóng bể
Gió thao trường bạt tiếng trùng khơi
Ở đây nước ngàn năm xanh thẳm
Những đảo chìm trầm tích san hô
Mảnh trời biếc rạng ngời bên bờ sóng
Dựng tiền tiêu trên đảo nổi xa mờ
Ở phương ấy, đất liền là quê mẹ
Những đàn chim di trú đón xuân về
Nhớ đôi mắt, nhớ nụ cười, nhớ thế
Một loài cây tên gọi phong ba..
(Đảo)
Miền Trung trong nỗi nhớ của anh, thành nét nhạc da diết. Thơ anh âm vang nắng gió xứ cát trắng, đất cằn nuôi chí lớn.
Bởi miền trung điệp trùng câu hát
Bóng dân ca phủ kín những con đường
Điệu ví dặm che cánh đồng khô khát
Biển ngóng chân trời, ai thương nhớ miền Trung?
(Miền Trung)
Trong bóng tà dương của buổi chiều năm tháng, khi bóng tối rót đầy, có người cất khúc Dạ ca. Giữa khuya sâu, chuyển động câu thúc bởi những phím buồn cắt vào da thịt, “nồng nàn” gió, “phập phồng” máu ứa mặt sông, người thơ tuẫn đạo khổ nạn trên bức tường thời gian. Hình như Dạ ca là một khúc ca rất lạ, cứa vào da thịt của đêm, khiến khóe đêm còn buồn hơn bóng tối. Nguyễn Tiến Thanh đã độc thoại với chính mình. Mỗi vệt thời gian qua đi là anh lại chia tay với chính mình, để phục sinh tâm hồn ở bầu ánh sáng mới.
Mùa đông lạ rớt xuống ngày quen thuộc
Đóng đinh ta trên bức tường chiều
Khổ nạn giống như một...công tắc điện
Bật sao đêm, và tắt mặt trời
...
Mùa thế đó, cứ mỗi lần tháng chạp
Mọc lên từ hốt hoảng mắt ai
Đêm chợt giống một khu vườn khô khát
Uống trăng suông trong run rẩy mưa phùn.
Ta bỗng hiểu cách lụi tàn của cỏ
Nên chẳng hề mơ mộng cánh sen khô
Niềm vui gục trên tận cùng bóng tối
Mây trắng bay- dù đêm vẫn không màu.
(Dạ ca)
Nếu Dạ ca khép lại nhưng vẫn dư vang, thì đến Viễn ca, tinh thần của tập thơ được bộc lộ đủ đầy ý nghĩa. Từ nỗi ào ạt đẩy xô, bật lên khúc Viễn ca. Nỗi buồn trong như ngọc vỡ.
Ta đi về phía mặt trời
Sau lưng ta những mặt người lặng im
-Xin dừng chân phía tàn đêm
Cơn mưa giăng kín đường tim gió lùa
Ta đi mòn cả mùa thu
Khoác trên vai những sương mù huyễn du
- Xin dừng chân ngõ mơ hồ
Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn
Ta đi rời rã cánh đồng
Lúa chưa thiếu phụ đã đòng đòng thơ
-Xin dừng chân trước chiều hôm
Thắp hoàng hôn suốt một cơn say dài
Ta đi tái nhợt chân trời
Đường chưa thăm thẳm đã vời vợi mây
- Xin dừng chân trước mai ngày
Viễn ca một khúc mà đày đọa nhau...
(Viễn ca)
Chưa hết ngân vang ở những khúc ca phiêu bạt, lại thấy một tiếng thơ ứa lệ, nhỏ máu, trong Guitar. Bài thơ là tự khúc đời thi sỹ: đôi khi vinh quang là quan ải đọa đầy trái tim người trong bữa tiệc trần ai:
Phím guitar nhỏ - ngập đầy
Mênh mang quán nhỏ tháng ngày bể dâu
Bể trầm luân, bể khổ đau
Bể hoang nguyên, bể thẳm sâu, bể tình...
Bè trầm vẫy gọi bình minh
Vọng giai điệu nắng, khởi tinh khôi mùa
Tà dương gãy đổ, hư vô
Phù vân, nhật nguyệt mịt mờ chìm trôi
Bàng hoàng đảo phách lả lơi
Sáu dây kim loại hóa thời gian bay...
Trong tập thơ mới này, đôi khi Nguyễn Tiến Thanh có xu hướng thoát ly khỏi ngôn ngữ, hình ảnh và liên tưởng thơ truyền thống để thể nghiệm khuynh hướng thơ suy tưởng, tượng trưng, đào sâu vào thế giới nội cảm, bật lên những tư duy đa chiều, xác lập một thế giới mới trong thơ anh. Đường thẳng là một trong những bài thơ như vậy.
Trong khi mở ra một thế giới bộn bề, đầy ắp những bắt đầu và lựa chọn cách dấn thân, bài thơ đã sắp đặt rất nhiều câu hỏi lớn. Ban đầu chỉ là một hình ảnh sự vật (con đường), một trạng thức (định mệnh), một hành động (đi) để dẫn đến những liên tưởng trong trường cảm xúc, sau đó là sự bắt buộc một lựa chọn “con đường”, gieo chênh vênh khi đặt cạnh “gia tốc, quán tính”. Ngôn ngữ thơ và lối diễn đạt khác đã tạo ra những trải nghiệm mới bằng trí tưởng tượng của nhà thơ:
Không phải ta đi
Ta bị lái, bị xô đẩy, bị dẫn dắt.
Không phải chọn lối rẽ vì muốn có bụi rậm
Càng không phải chọn bụi rậm vì đi trên lối rẽ:
Đường ngắn hơn và đi chậm hơn
Sẽ đến đích
...
Ta chỉ ngồi nghỉ, suy tưởng, và mệt đứt hơi.
Đường thẳng và lối rẽ
Xa lộ và bụi rậm
Đều không phải thứ ta cần
Cuối cùng
Ta chỉ cần
Một chỗ nghỉ chân
(Đường thẳng)
Với Viễn ca, Nguyễn Tiến Thanh họa người hay họa cảnh? Tôi thấy anh muốn một sự giao hòa. Nhưng chính thơ anh lại chớp lấy sự mong manh của cái đẹp, của nỗi day dứt trước cái vô cùng của sự sống màu nhiệm. Thơ là cuộc đối thoại với chính mình và chất vấn nỗi buồn. Bởi thực tế, niềm vui luôn ngắn ngủi, nên phải chăng nỗi buồn là cách con người trăn trở về những dở dang, tiếc nuối về những điều chưa đạt được, thậm chí cả sự trống rỗng, mất mát sau những thành quả và cũng giúp ta hiểu được cái vô tận của thời gian và không gian?
Nguyên Tô/ Thời Báo văn học nghệ thuật
Khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức một đêm nhạc đỉnh cao của tứ tấu đàn dây nổi tiếng thế giới. Toàn bộ tiền bán vé được dành để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Học giả Nga lưu giữ những cuốn sách của các bậc lão thành cách mạng Việt Nam như “Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh,” hay “Cách mạng tháng Mười vĩ đại và Việt Nam.”
Lee Kwang Soo sẽ đóng một cặp với nàng thơ Hoàng Hà, gương mặt điện ảnh mới nổi ở Việt Nam, trong phim hài tình cảm về một diễn viên đang lên và một cô nhân viên pha chế.
Ca trù Việt Nam, vào năm 2009 đáng nhớ, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” của thế giới. Ca...
Ba nghìn thế giới thơm được xem là cuốn sách làm nên tên tuổi của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. Trong lần tái xuất này, tác giả kết hợp với NXB Nhã Nam cho ra mắt ấn bản hoàn...
Cuốn sách “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Phạm Hoàng Hải do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và phát hành đã góp thêm...
Hướng tới năm học mới, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách văn học “Ngàn năm sử Việt”, chọn lọc các tác phẩm nổi tiếng nhất viết về lịch sử của nhiều tác giả. Mỗi tác phẩm là...
Tác phẩm “Cây bút & cây súng” (truyện ký, NXB Hồng Đức, 2017) của các nhà văn - nhà báo khóa 12, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi nghĩ, rất phong phú đa...
Bộ phim khắc họa xúc động hình ảnh những người lính hải quân luôn vững vàng tay súng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu bộ sách “Những anh hùng trẻ tuổi”, viết về những anh hùng đã chiến đấu và...
Tháng 3 năm 1967, một đoàn sinh viên năm thứ tư, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về thực tập tại các đại đội Thanh niên xung phong thuộc đội N57 tỉnh Lạng Sơn. Các...
Là một nhà văn hóa lỗi lạc, có tâm hồn yêu văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận ra giá trị của văn hoá là hồn cốt của dân tộc, hiểu, xác định đúng và rõ vai...