Cập nhật:  GMT+7

Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7:

30 năm thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển

Năm 1994, tại Cairo (Ai Cập) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD), 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển.

Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.

Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay được lựa chọn với Chủ đề: “Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo 1994”.

30 năm thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển

Diễu hành hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7 tại thành phố Việt Trì.

Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay với Chủ đề: “Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo1994” và chủ đề được Việt Nam lựa chọn là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư.

Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân; đã vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới.

Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế cho đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt.

Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được nâng lên. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ năm 2017, bằng việc ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác dân số của Việt Nam đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với cả nước, 30 năm qua, công tác dân số tỉnh Phú Thọ trải qua nhiều biến động, luôn nỗ lực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ một tỉnh có tỷ lệ phát triển dân số cao ở miền Bắc, tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm giai đoạn 2009-2019 là 1,06% (Trung du miền núi phía Bắc: 1,26%, cả nước: 1,14%). Số con trung bình mỗi phụ nữ giảm và duy trì ở mức trên 2 con trên phạm vi cả tỉnh.

Thành công của công tác dân số đã làm thay đổi lớn cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số theo hướng có lợi cho sự phát triển. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm còn 25%; tỷ lệ người từ 15-64 tuổi duy trì ở mức trên 65%, Phú Thọ bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007.

Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 20,1% lên 53,1%; lao động nông nghiệp giảm từ 79,9% xuống còn 46,9%. Chất lượng dân số được cải thiện, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỉ suất tử vong trẻ em thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến nay, trên 60% bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp sớm một số bệnh, tật.

Tầm vóc thể lực của người dân trong tỉnh được cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng tương đương mức trung bình của cả nước. Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm. Tỷ lệ dân số đô thị tăng đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội nhất là nhu cầu lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Công tác tuyên truyền, giáo dục và dịch vụ dân số được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động đã đưa thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con” lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số được phát triển rộng khắp, gần dân; chất lượng ngày càng cao. Phương thức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được thay đổi căn bản từ cơ sở y tế công tuyến huyện đến trạm y tế xã và cơ sở y tế tư nhân. Phú Thọ là tỉnh tiên phong trong các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc triển khai thành công công nghệ hỗ trợ sinh sản.

30 năm thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển

Phát tờ rơi tuyên truyền về SKSS/KHHGĐ trong chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn tại xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn.

Trong 30 năm, nhờ giảm sinh và duy trì mức sinh thấp toàn tỉnh đã tránh sinh trên 150.000 người, lớn hơn dân số bình quân của 1 huyện trong tỉnh. Kết quả đó đã tiết kiệm đáng kể các chi phí cho gia đình và xã hội, đối với tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách như Phú Thọ thì điều đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn để tăng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả thực hiện các mục tiêu dân số đã trực tiếp góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2001-2010, GDP bình quân đầu người tăng 2,66 lần; giai đoạn 2011-2020, GDP năm 2020 tăng gần 2 lần (giá so sánh) và tăng gần 4 lần (giá hiện hành) so với năm 2011.

Nếu không thực hiện có hiệu quả công tác dân số thì quy mô dân số của tỉnh sẽ cộng thêm trên 150.000 người và GDP bình quân đầu người sẽ tăng thấp hơn trong những thập kỷ qua. Ngày nay, nhờ sinh ít con, phụ nữ có điều kiện để nâng cao sức khỏe, tham gia công tác xã hội.

Kết quả các kỳ tổng điều tra dân số cho thấy quy mô gia đình (số người bình quân của 1 gia đình) ngày càng nhỏ hơn đã giúp các gia đình tiết kiệm chi phí, tăng tích lũy. Công tác dân số đã thực sự đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bền vững về môi trường; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, công tác dân số của tỉnh cũng có nhiều khó khăn thách thức. Phú Thọ là tỉnh có quy mô dân số lớn (đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố), mật độ dân số cao: 435 người/km2 (cả nước: 321 người/km2), mức sinh vẫn còn cao. Số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ ở tỉnh tiếp tục tăng trong nhiều năm tới sẽ trực tiếp tác động, tạo áp lực lên mục tiêu giảm sinh của tỉnh. Tâm lý muốn có nhiều con, ưa thích con trai, định kiến giới vẫn còn sâu sắc.

Tốc độ tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nếu được tận dụng tốt; ngược lại, sẽ trở thành gánh nặng, dễ sinh các tệ nạn xã hội nếu không tận dụng được. Dân số vàng của tỉnh ta mới chỉ đạt tiêu chí về số lượng; chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế; chưa có giải pháp đồng bộ để phát huy lợi thế dân số vàng.

Tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị tốt để kịp thích ứng. Phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đáp ứng. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa phát triển. Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh tuy có giảm nhưng vẫn đang ở mức khá cao. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt sẽ gây nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững.

Di dân tác động đến quy mô, cơ cấu dân số và gây khó khăn cho địa phương cả nơi đi và nơi đến. Hạ tầng, chính sách xã hội ở nhiều đô thị, khu công nghiệp chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng dân số cơ học. Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư còn hạn chế.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2516/KH-UBND, ngày 12/6/2020 về kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Phú Thọ thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số-kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, đưa tỷ số giới tính khi sinh về gần mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.

Nguyễn Việt Phương

Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Điểm tựa giúp người nghèo vượt khó

Điểm tựa giúp người nghèo vượt khó
2024-11-15 09:43:00

baophutho.vn Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm quan, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn thành phố Việt Trì đã tích cực kêu...

Khởi công xây dựng nhà Nhân đạo ở Thanh Sơn

Khởi công xây dựng nhà Nhân đạo ở Thanh Sơn
2024-07-10 15:08:00

baophutho.vn Ngày 10/7, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các đơn vị tài trợ và chính quyền địa phương tổ chức khởi công xây dựng nhà Nhân đạo cho chị Phan...

Kết nối cung - cầu lao động

Kết nối cung - cầu lao động
2024-07-08 14:45:00

baophutho.vn Nguồn nhân lực chính là động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời đại hiện nay. Do đó, song song với những nỗ lực thực hiện khâu...

Điểm tựa cho những mảnh đời bất hạnh

Điểm tựa cho những mảnh đời bất hạnh
2024-07-07 07:58:00

baophutho.vn Là địa chỉ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn, người tàn tật, tâm thần, trẻ mồ côi, người gặp...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long