{title}
{publish}
{head}
Kỳ I: Hào hùng ký ức Điện Biên
Với lòng yêu nước nồng nàn, dành tất cả cho ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhiều người con quê hương Đất Tổ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và máu xương trên các chiến trường vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, những người con Đất Tổ tuổi mười tám, đôi mươi năm xưa nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhắc về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm.
Cụ Vũ Tiến Nhuệ vui vẻ trò chuyện cùng cán bộ Hội CCB phường Minh Phương, TP Việt Trì.
Những ngày tháng không quên
Trong những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, được nghe kể lại những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ của quân và dân ta. Với các chứng nhân lịch sử, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi khắc ghi, luôn là câu chuyện nóng hổi mỗi dịp gặp mặt để nhớ về.
Theo chân cán bộ Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Hạ Hòa, chúng tôi đến thăm gia đình cụ Nguyễn Chí Hướng và cụ Đinh Thị Phúc (thị trấn Hạ Hòa), hai vợ chồng từng là người lính, thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, bên ấm trà mới pha, cụ Nguyễn Chí Hướng kể: “Năm 1949, tôi nhập ngũ, khi ấy mới 20 tuổi, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc Đại đội 1, Tiểu đội 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Sau khi Chiến dịch mở màn, toàn tuyến hậu cần bước vào phục vụ bộ đội chiến đấu. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tuyến vận tải trải dài trên nhiều vùng núi non hiểm trở, qua nhiều sông suối lại bị địch đánh phá ngăn chặn, ác liệt nhất là khu vực đèo Giàng, đèo Khế, Lũng Lô, Pha Đin, Cò Nòi...”.
Nhấp ngụm nước chè, cụ Hướng bồi hồi kể lại: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, giao thông vận tải là mặt trận chiến đấu quyết liệt. Bên cạnh vận tải cơ giới, nhiều tuyến vận tải bộ bằng sức người và phương tiện thô sơ được tổ chức từ hậu phương ra tiền tuyến. Trong điều kiện địch bắn phá ác liệt, song tất cả đều đồng lòng quyết chiến để bảo vệ Tổ quốc. Nhớ lời dặn của Bác, tôi và đồng đội luôn kề vai, sát cánh, nhất quyết bảo vệ, giữ gìn lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân trang, quân dụng... đến mặt trận, đảm bảo cho bộ đội ta chiến đấu thắng lợi”.
Trong câu chuyện ấm tình, chúng tôi được biết, cụ bà Đinh Thị Phúc, vợ cụ Hướng cũng có tuổi thanh xuân gắn liền với chiến trường và những lần vượt làn mưa bom, bão đạn. Khi đó, trong khí thế sôi sục hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả cho Điện Biên Phủ, tất cả để chiến thắng”, dù đang học ngành ngân hàng, cụ Phúc quyết định tạm gác lại việc học, làm đơn tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với cụ Hướng, cụ Phúc, những tháng ngày “vào sinh ra tử” trong chiến trường Điện Biên Phủ là những tháng ngày không thể nào quên.
Dù đã ở tuổi 95, đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng cụ Bùi Thị Ngân - hiện ở khu 1, xã Sông Lô, TP Việt Trì mỗi khi nhắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ lại bồi hồi. Cụ chậm rãi kể với chúng tôi: “Năm đó có mười mấy người ở Sông Lô cùng đi dân công hỏa tuyến, dù phải vượt qua sông, qua núi nhưng suốt chặng đường hầu như cả đoàn chỉ ăn rau rừng, mỗi lúc dừng chân cũng chỉ có lá cây làm đệm, làm chăn để đắp. Đến cung đường Mộc Châu - Sơn La, ban ngày địch ném bom, gài mìn làm lở sập đồi núi khiến cho đất trên cao ập xuống các tuyến đường nên ban đêm chúng tôi lại cùng nhau gánh đất, mở đường. Ngày ấy không có quang gánh như bây giờ, dân công hỏa tuyến phải chặt cây nứa, chẻ từng nan nhỏ rồi đan vào nhau thành những phên lớn để khênh đất đi đổ, dù đói, dù mệt nhưng tất cả đều đồng lòng làm sao có thể mở đường nhanh nhất để các phương tiện lưu thông, kịp thời vận chuyển hàng hóa phục vụ cho tiền tuyến”.
Chiến tranh qua đi, đoàn nữ dân công hỏa tuyến ngày ấy giờ chỉ vài người còn sống, dù sức khỏe yếu, khó có thể gặp lại nhau song những kỷ niệm cùng đồng đội vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của mỗi người.
Những tấm huân chương là kỷ vật vô giá với gia đình cụ Nguyễn Chí Hướng, cụ Đinh Thị Phúc.
Giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Năm 1947, cũng như bao thanh niên khác, chàng trai Vũ Tiến Nhuệ, ở khu Cao Đại, phường Minh Phương, TP Việt Trì khi ấy vừa tròn 20 tuổi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian học tại Trường Sĩ quan ở Côn Minh, Trung Quốc, ông Nhuệ trở về đơn vị nhận nhiệm vụ, là Trung đội trưởng Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Năm 1954, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nhuệ là lính lái xe vận chuyển hàng hóa, đạn dược cho mặt trận.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nhuệ kể lại, có những lần xe đang chạy thì gặp máy bay địch ném bom nhưng cụ và đồng đội không hề nao núng, đoàn kết giữ vững tay lái vượt qua “mưa bom, bão đạn”, đồng lòng quyết tâm đưa những chuyến xe chở hàng an toàn vào tiền tuyến, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng chiến đấu để đi đến chiến thắng vinh quang.
97 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, người lính Điện Biên năm xưa vẫn một lòng trung kiên, gương mẫu. Trở về với cuộc sống đời thường, cụ Vũ Tiến Nhuệ luôn nêu gương, vận động con cháu và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, là người đi đầu ủng hộ, đóng góp xây dựng, tu sửa các công trình ở địa phương, đặc biệt, chung tay cùng cả nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19; năm 2020, cụ và gia đình đã ủng hộ một tấn gạo cho cơ sở cách ly tập trung của tỉnh, được Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen. Cụ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Rất nhiều những người lính sau khi tham gia kháng chiến chống Thực dân Pháp lại tái ngũ tham gia kháng chiến chống Đế quốc Mỹ. Nay dù tuổi cao, sum vầy với gia đình, con cháu nhưng vẫn gương mẫu trong cuộc sống đời thường, viết tiếp những trang sử vàng truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”. CCB Trần Phú Phương, sinh năm 1930, ở khu Hà Biên, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn là một người như thế.
Theo lời kể của cụ, sinh ra ở tỉnh Hà Nam, cả tuổi thơ phải sống trong cảnh nghèo khổ và bị đàn áp bởi lính Tây, căm thù quân giặc, năm 1953, cụ nhập ngũ biên chế thuộc Sư đoàn 304 quân chủ lực. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Hồng Cúm, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh.
Cụ Phương bồi hồi nhớ lại: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi làm nhiệm vụ liên lạc cho Trung đoàn trưởng, khi vào mặt trận thì dẫn đường cho bộ đội đến các điểm chốt, khi ra lại có nhiệm vụ vận chuyển thương binh. Hồi ấy, ai ra trận trong túi cũng có mảnh giấy ghi lại tên tuổi, quê quán, đơn vị và địa chỉ cần báo tin, lục túi anh em chiến sĩ đã hy sinh mà lòng quặn thắt bởi nhiều người còn quá trẻ, nhiều người thân thể không còn nguyên vẹn...”.
Qua rà soát của Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.737 người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống, trong đó 212 người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, 89 người là thanh niên xung phong, 1.436 người là dân công hỏa tuyến.
Cơn bão lửa đêm mồng 6, rạng sáng 7/5/1954, của quân ta đã làm cho quân địch bạt vía, kinh hồn: Đồi A1 bị san phẳng, đồn C1 bị tiêu diệt, đồn C2 quân ta vừa làm chủ... 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Cát-xtơ-ri - Chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cùng Bộ Tham mưu bị bắt làm tù binh. Ngay tối 7/5, Sư đoàn 304 của cụ Phương nhận lệnh tiến công Hồng Cúm, khu cứ điểm cuối cùng của địch cũng bị san phẳng.
Vẫn theo lời cụ, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1958, cụ phục viên trở về Hà Nam. Đến năm 1963, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cả gia đình cụ lên Thanh Sơn, Phú Thọ xây dựng kinh tế mới. Năm 1968, cụ tái ngũ vào chiến trường B, Đông Nam Bộ tham gia sản xuất vũ khí phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày đất nước thống nhất, cụ trở về quê trong sự vui mừng của người thân.
70 năm trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên trai trẻ năm xưa đều đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, “tóc bạc, da mồi” song ký ức hào hùng về Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm trước vẫn không phai mờ trong tâm trí, họ vẫn luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nhóm phóng viên CT-XH
Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ.
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Nhân dân xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chung sức, đồng lòng cùng...
baophutho.vn Chiều 20/4, tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và...
baophutho.vn Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, điểm phát triển đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng chiến thuật là xác định đúng thời cơ đánh đòn quyết định cuối...
baophutho.vn Công an tỉnh Phú Thọ đang tạm giữ hình sự 14 đối tượng để điều tra làm rõ về vụ trộm cắp hơn 9.200m dây cáp điện trên địa bàn tỉnh.
baophutho.vn Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua 2/3 thế kỷ, chạm mốc kỷ niệm 70 năm. Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó không chỉ ghi...
baophutho.vn Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND và Công an các đơn vị,...
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” đã trở thành mệnh lệnh của trái tim, thôi thúc người chiến sỹ mang quân hàm xanh Trần Văn Bằng...
Chuyến trở lại Tây Bắc tuần trước, tình cờ tôi gặp lại hai sĩ quan ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, cả hai anh đều từng là Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải -...
baophutho.vn Khu vực Rừng quốc gia Đền Hùng có diện tích trên 500ha rất đa dạng, phong phú về loài động, thực vật, trong đó có nhiều cây cổ thụ gắn với...
baophutho.vn Thời gian qua, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vũ khí,...
baophutho.vn Ngày 16/4, TAND tỉnh tổ chức phiên tòa xét xử vụ án ma túy (bằng hình thức trực tuyến để rút kinh nghiệm) được kết nối từ điểm cầu Trung tâm...