Cập nhật:  GMT+7

Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng nhanh chóng kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường diễn ra nhiều hơn như: Dông lốc, mưa đá, sét, mưa lớn, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn... Bởi thế, việc chủ động các phương án, biện pháp nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với các hiện tượng thời tiết xấu, nguy hiểm là nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu.

Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan

Hạn mặn khốc liệt đang diễn ra ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi ranh mặn xâm nhập sâu vào các con sông từ 40-60km, được dự báo sẽ ở mức trung bình cao hơn mọi năm và biến động khó lường trong thời gian tới. Trong khi đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước khô kiệt, mực nước trên các con sông, suối, hồ, đập... đang giảm mạnh, nhiều nơi “trơ đáy”, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc như: Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai... mới chỉ trong thời điểm cuối tháng Ba, đầu và trung tuần tháng Tư, nhiều địa phương đã phải hứng chịu thiệt hại nặng cả về người và tài sản do mưa to, dông lốc và mưa đá. Đáng chú ý, từ đêm 19-21/4, mưa to kèm dông lốc đã làm 7 người thương vong với nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương khu vực phía Bắc. Thậm chí trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đêm 20/4 còn xuất hiện mưa đá kèm theo dông lốc, sấm chớp.

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, sự bất thường của thời tiết ở nước ta đầu năm nay là do ảnh hưởng của giai đoạn chuyển đổi từ pha nóng El-Nino sang pha ENSO (pha trung tính có khí hậu ôn hòa) và tới đây là pha lạnh La-Nina. Có nghĩa là trong một năm chúng ta phải trải qua 3 pha của thời tiết gây ra sự biến động bất thường. Đặc trưng của kiểu chuyển pha này là ngày đang nắng nóng, song có thể bất ngờ mưa, ẩm ở miền Bắc, trong khi miền Nam lại đang nắng nóng hơn so với những năm trước, trung bình nhiệt độ cao hơn so với trung bình cùng thời kỳ. Hiện tượng nóng lên của trái đất làm cho quy luật thời tiết bị xáo trộn gây ra nhiều nắng nóng cực đoan hơn và mưa bất thường hơn.

Dự báo mùa Hè năm nay nhiệt độ trung bình sẽ cao hơn trung bình chung của nhiều năm và có thể có những đợt nắng nóng cực đoan mà nền nhiệt sẽ vượt kỷ lục của những năm trước. Nhất là các địa phương miền núi phía Bắc, sau những đợt mưa lũ cục bộ, dông lốc là thời điểm nắng nóng, hạn hán, thiếu nước kế tiếp vào mùa Hè, đòi hỏi phải có những dự báo và chuẩn bị các kịch bản ứng phó.

Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan

Cây lớn bị đổ do dông lốc tối 20/4 tại đường Hùng Vương, TP Việt Trì.

Giống như các địa phương khác khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong các ngày 19-20/4 và 24/4 cũng đã xảy ra mưa to kèm dông lốc và mưa đá làm hư hỏng nhiều công trình công cộng, nhà dân; nhiều diện tích hoa màu bị gãy, đổ, tổng thiệt hại ước tính trên 44 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Để nhanh chóng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND đã kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai các phương án cụ thể, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhân dân sửa chữa công trình, khôi phục sinh trưởng hoa màu, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh việc chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa bão, dông lốc thời điểm hiện tại, để chuẩn bị các phương án phòng, chống thời tiết cực đoan thời điểm mùa Hè, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu ngành Nông nghiệp & PTNT và cơ quan liên quan, các địa phương tập trung quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024; của Bộ Nông nghiệp& PTNT tại Văn bản số 2605/BNN-TL ngày 10/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 281/UBND-CNXD ngày 17/01/2024 về chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; kiểm kê nắm bắt thông tin về nguồn nước để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Triển khai kịp thời có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước gây ra. Tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về tình hình thời tiết, và thực trạng nguồn nước; các khuyến cáo, hướng dẫn chuyên ngành để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị và người dân nhằm chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, tăng cường các biện pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Thời điểm này, các ngành chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh như: Điện lực, Giao thông vận tải, Nông nghiệp & PTNT, Viễn thông..., cùng các địa phương đều đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt thông tin dự báo, cảnh giác với thiên tai, tổ chức sản xuất theo hướng sử dụng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm thiên tai từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày một gay gắt, việc nắm bắt, cập nhật thông tin thường xuyên về thời tiết và đánh giá, dự báo rủi ro là việc hết sức quan trọng để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Vì thế, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và người dân cần có nêu cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết để có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của thiên tai, đảm bảo cuộc sống cho nhân dân.

Nguyễn Thùy


Nguyễn Thùy

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
2024-11-22 13:30:00

baophutho.vn Ngày 22/11, dưới sự điều hành của đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH...

Mặc sao cho đẹp

Mặc sao cho đẹp
2024-04-21 07:04:00

baophutho.vn Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người càng được cải thiện, người ta không chỉ no đủ vật chất mà còn chú trọng nhiều đến đời sống tinh...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long