Cập nhật:  GMT+7

Đi qua những bản làng của người Chu Ru

Những cánh chim Phí, Chơ-rao mặc sức sải cánh giữa đại ngàn; các buôn làng yên bình bên dòng Đa Nhim dịu dàng, tuôn chảy; những người con mộc mạc, chân chất sống với nhau hết nghĩa, hết tình, đau đáu lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống nhằm lưu truyền cho hậu thế... Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi đến với đồng bào dân tộc Chu Ru ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Đi qua những bản làng của người Chu Ru

Buôn làng Chu Ru nay đã đổi thay phát triển.

Trước căn nhà khiêm nhường ở làng gốm K'Răng Gọ (xã P’Róh, huyện Đơn Dương), nghệ nhân Ma Ly, 68 tuổi, dân tộc Chu Ru, cùng con gái là Ma Grét đang miệt mài chế tác mẻ gốm đầu Xuân. Nhìn các dụng cụ và cách chế tác sản phẩm gốm cũng khá đơn giản. Một chiếc vòng được làm bằng tre, một tấm gỗ nhỏ, một quả trám rừng, một miếng vải để hoàn thiện một sản phẩm gốm cả về mặt kỹ thuật lẫn mỹ thuật.

Trước đây, làng gốm K’Răng Gọ của người Chu Ru khá phát triển. Hầu như nhà nào cũng đỏ lửa làm gốm. Các sản phẩm làm ra phần lớn phục vụ trong đời sống sinh hoạt gia đình là chính như: ché, nồi, ấm, bình, ly, tách...;Nếu dư ra, bà con Chu Ru nơi đây mới đem đi đổi chác, với hình thức hàng đổi hàng cho các buôn làng lân cận.

Nhưng hiện nay, cuộc sống hiện đại đã “ùa vào” buôn làng Chu Ru, ít gia đình sử dụng sản phẩm gốm, nhất là lớp trẻ ít khi quan tâm đến nghề gốm truyền thống của dân tộc mình. Cả làng gốm K’Răng Gọ hiện chỉ còn 5 hộ đang theo đuổi nghề này.

Đi qua những bản làng của người Chu Ru

Nghệ nhân Ma Ly đã phơi mẻ gốm đầu xuân

Nghệ nhân Ma Ly bộc bạch: Mình được mẹ truyền lại nghề làm gốm khi mới 12 tuổi và theo đuổi nghề này đến tận ngày hôm nay. Mình không thể để nghề gốm của dân tộc mình thất truyền được, vì đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru. Mình đã truyền dạy cho con gái và một số người thân trong dòng tộc làm gốm một cách khá thành thạo. Năm 2023, mình bán được trên 200 sản phẩm gốm, với giá từ 80 đến 100 ngàn đồng/sản phẩm cho một số điểm du lịch và du khách trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, mình đang cố gắng làm 100 sản phẩm để kịp giao cho một khách hàng ở TP. Hà Nội.

Đi qua những bản làng của người Chu Ru

Các sản phẩm gốm K’Răng Gọ do nghệ nhân Ma Ly chế tác

Rời làng gốm K’Răng Gọ, chúng tôi ghé thăm nghệ nhân Ya Tuất, dân tộc Chu Ru ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra. Trong hàng chục ngàn người Chu Ru, chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Ya Tuất biết làm nhẫn bạc.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Ya Tuất cho biết: “Nghề làm nhẫn bạc khó nhất là công đoạn làm khuôn nhẫn, đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận. Các chi tiết khuôn nhẫn được làm từ sáp ong. Chiếc nhẫn có đẹp, có sắc sảo đúng với cái tên như mắt sâu, mắt mía, bông lúa, mặt trời... thì phụ thuộc nhiều vào công đoạn này. Bình quân mỗi lạng bạc làm được 10 chiếc nhẫn. Tùy độ tinh xảo mà những chiếc nhẫn sẽ có giá trị khác nhau. Trung bình mỗi tháng, mình bán ra thị trường từ 50 đến 100 chiếc nhẫn”.

Đi qua những bản làng của người Chu Ru

Nghệ nhân Ya Tuất đang làm khuôn nhẫn bạc.

Đối với dân tộc Chu Ru, nhẫn bạc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong lễ cưới, lễ hỏi, nhẫn bạc vừa mang tính chất đính ước, lại vừa là vật biếu tặng người thân trong gia đình. Nó là vật hồi môn, vật gia truyền, thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Không những thế, chiếc nhẫn bạc được dùng trong một số nghi lễ như lễ bỏ mả hoặc cúng ruộng để dâng lên thần linh. Nó là vật không thể thiếu. Chính vì vậy, vai trò của nhẫn bạc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt lẫn tâm linh của dân tộc Chu Ru.

Ông Ya Loan, một nhân sỹ trí thức dân tộc Chu Ru cho biết thêm: “Nghề làm nhẫn bạc tuy không phải là nghề làm ra nhiều tiền nhưng nó là cái nghề truyền thống của người Chu Ru. Cũng may còn nghệ nhân Ya Tuất đã lưu giữ nghề này cho tận tới ngày hôm nay. Hiện tại, nghệ nhân Ya Tuất đã hướng dẫn con trai mình và một số thanh niên trong buôn làng làm nhẫn bạc. Vì đây là nghề thủ công truyền thống, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Chu Ru”.

Đi qua những bản làng của người Chu Ru

Nhẫn bạc do người Chu Ru chế tác.

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến với xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương để được thưởng thức vũ điệu Tamya Arya hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khèn bầu dìu dặt của các chàng trai, cô gái Chu Ru. Có được những buổi sinh hoạt cộng đồng đậm chất văn hóa Chu Ru ấy, phải nói đến công lao lớn của Nghệ nhân Ưu tú Tou Neh Ma Bio.

Năm nay, bà đã cần kề 70 mùa rẫy, nhưng lúc nào cũng đau đáu với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình. Mùa Xuân cũng là mùa lễ hội, nghệ nhân Tou Neh Ma Bio và những người anh em, nhất là thế hệ trẻ của dân tộc Chu Ru lại chuẩn bị hành trang thông qua những tiếng trống, tiếng cồng chiêng, vũ điệu, lời ca, tiếng hát mang đậm văn hóa Chu Ru đi biểu diễn ở nhiều buôn làng lân cận, hoặc nhiều lễ hội văn hóa của các dân tộc anh em khác trong cả nước.

Nghệ nhân Tou Neh Ma Bio tâm sự: “Mình là người con dân tộc Chu Ru nên phải có ý thức gìn giữ những gì thuộc về văn hóa dân tộc mình. Hàng chục năm nay, mình không ngừng truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách đánh trống, đánh cồng chiêng và thổi khèn bầu, cũng như tập luyện các vụ điệu, bài hát dân ca của dân tộc Chu Ru. Mình cũng mong sao, có nhiều người đồng lòng, hợp sức để cùng nhau lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống của người Chu Ru bên dòng Đa Nhim này”.

Đi qua những bản làng của người Chu Ru

Nghệ nhân Ưu tú Tou Neh Ma Bio hướng dẫn thế hệ trẻ người Chu Ru trình diễn vũ điệu tămya – ariya.

Không chỉ có những nghề truyền thống, những điểm sinh hoạt cồng chiêng, huyện Đơn Dương đã đầu tư xây dựng làng văn hóa Chu Ru tại xã P’Róh. Đây không chỉ là không gian thích hợp để trưng bày các sản phẩm nghề thủ công truyền thống, diễn ra các lễ hội, mà còn là điểm đến lý tưởng nhằm giới thiệu du khách thập phương tìm hiểu thêm về các phong tục, tập quán, trang phục, dân ca, dân vũ, công trình kiến trúc và các nghề thủ công truyền thống như, làm đồ gốm, chế tác nhẫn bạc, dệt thổ cẩm, làm rượu cần,... đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru.

Chia tay các buôn làng Chu Ru trong tiết Xuân dịu ngọt, tôi không quên và trân trọng những đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của các nghệ nhân luôn đau đáu trăn trở với nghề làm gốm, làm nhẫn bạc của dân tộc mình. Tiếng đánh vần của lũ trẻ con em đồng bào dân tộc Chu Ru do ông Ya Loan ngày đêm truyền dạy. Và cả những thanh âm của trống sơgơl, sáo tenia, kèn kwào hòa cùng vũ điệu tămya - ariya của những chàng trai, cô gái Chu Ru nhịp nhàng, uyển chuyển, rạo rực đắm say giữa đại ngàn trùng điệp Nam Tây Nguyên...

Thảo Linh/Báo Dân tộc và Phát triển


Thảo Linh/Báo Dân tộc và Phát triển

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Những người giữ bản sắc văn hóa vùng cao

Những người giữ bản sắc văn hóa vùng cao
2024-02-21 08:59:00

Sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang nguy cơ mai một.

Người giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ

Người giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ
2024-02-20 08:19:00

Ở thị trấn Yên Cát (Như Xuân), người ta gọi ông Lê Văn Cứu là “nhà văn hóa”, bởi những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Thổ tại địa phương.

Chiềng Nội vang tiếng cồng chiêng

Chiềng Nội vang tiếng cồng chiêng
2024-02-18 07:18:00

baophutho.vn Đối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí mà còn là thanh âm quan trọng, linh thiêng trong phong tục, tập quán sinh hoạt văn...

Giữ cho mạch nguồn chảy mãi

Giữ cho mạch nguồn chảy mãi
2024-02-16 09:35:00

Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, ngoài thực hiện hiệu quả chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk còn có những quyết sách đặc thù và căn...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long