Cập nhật:  GMT+7

Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát: Xã Thung Nai căng mình chống dịch

Những tưởng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được khống chế sau một thời gian dài. Thế nhưng, từ đầu tháng 7 đến nay, xã Thung Nai lại một lần nữa phải gồng mình chống dịch. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, hàng chục con lợn đã chết và buộc phải tiêu hủy, khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng.

Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát: Xã Thung Nai căng mình chống dịch

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu phi tại xóm Hải Phong, xã Thung Nai.

Cơn “sốt đen” tái phát

Theo thông tin từ UBND xã Thung Nai, ngày 14/7/2025, tại các xóm Hải Phong và Má 1, DTLCP được xác nhận đã quay trở lại. Theo thống kê, trong đợt bùng phát lần này 10 hộ dân có lợn nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy 22 con với tổng trọng lượng 1.690kg. Trong đó, riêng xóm Hải Phong ghi nhận 17 con lợn chết với tổng trọng lượng 1.261kg. Các hộ bị ảnh hưởng nhiều gồm gia đình ông Đỗ Văn Thắng tiêu huỷ 3 con (tổng trọng lượng 280kg), gia đình ông Nguyễn Văn Trương tiêu hủy 4 con (tổng trọng lượng 200kg), gia đình ông Vũ Văn Thảo tiêu hủy 2 con (tổng trọng lượng 155kg), gia đình ông Phạm Xuân Trí tiêu hủy 2 con (tổng trọng lượng 93kg)...

Ở xóm Má 1 cũng không nằm ngoài vòng xoáy dịch bệnh. Trong đó, gia đình ông Bùi Văn Thiều phải tiêu hủy 5 con lợn nặng tổng cộng 301kg. Trước đó, ca DTLCP đầu tiên được phát hiện tại xã Thung Nai vào ngày 7/7/2025 tại hộ gia đình ông Bùi Văn Việt trú tại xóm Dệ. Đàn lợn gồm 25 con (14 lợn thịt và 11 lợn choai), tổng trọng lượng 285kg có biểu hiện bất thường. Mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho kết quả dương tính với DTLCP. Toàn bộ số lợn mắc bệnh đã bị chết và được tiêu hủy theo đúng quy định. Chỉ một ngày sau, ngày 8/7/2025, hộ gia đình ông Bùi Văn Xiển cũng ở xóm Dệ phát hiện 2 con lợn thịt có trọng lượng 70kg có dấu hiệu nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với DTLCP, 2 con lợn đã chết và được tiêu hủy kịp thời.

Chứng kiến cảnh từng con lợn khỏe mạnh trong chuồng bỗng dưng đổ gục, ông Đỗ Văn Thắng ở xóm Hải Phong thở dài: Nuôi bao tháng trời, giờ dịch đến là trắng tay. Còn ông Bùi Văn Việt ở xóm Dệ thì đau xót chia sẻ: Đàn lợn là toàn bộ vốn liếng tích góp của gia đình tôi. Dịch đến nhanh quá, chỉ sau vài ngày là cả đàn đổ bệnh. Dù biết phải tiêu hủy để ngăn dịch lây lan nhưng thực sự rất xót xa.

Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát: Xã Thung Nai căng mình chống dịch

Tổ phản ứng nhanh của xã Thung Nai tiến hành cân lợn mắc bệnh trước khi mang đi tiêu hủy.

Khó khăn chồng chất

Đồng chí Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên ở xóm Dệ vào ngày 7/7/2025, chính quyền xã đã lập tức vào cuộc, tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo đúng quy trình; phun khử trùng chuồng trại, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật ra vào địa bàn. Cùng với đó, xã triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình rộng, người dân chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ nên công tác khoanh vùng, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng lây lan rất nhanh trong đàn lợn. Khi đã nhiễm, tỷ lệ lợn chết gần như 100%. Hiện chưa có vaccin hay thuốc điều trị đặc hiệu. Giải pháp duy nhất là tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Trao đổi xung quanh công tác phòng chống dịch tại địa phương, đồng chí Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Cứ hộ nào báo có lợn chết là xã cử cán bộ đến kiểm tra ngay. Việc tiêu hủy lợn bị mắc bệnh chết được làm nhanh, gọn và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát: Xã Thung Nai căng mình chống dịch

Toàn bộ số lợn mắc bệnh đều được xã Thung Nai tổ chức tiêu hủy đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, cán bộ thú y mỏng, trong khi địa bàn rộng và nhiều xóm giáp lòng hồ, di chuyển rất vất vả. Dù công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt, song xã Thung Nai vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do đặc thù là địa bàn vừa sáp nhập. Nhiều quy định mới chưa rõ ràng, xã chưa bố trí được kinh phí mua trang thiết bị, thuốc khử trùng, vôi bột... Các hộ chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sinh học. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí, cấp vật tư, hóa chất và nhất là kinh phí tiêu hủy, hỗ trợ thiệt hại cho người dân”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hà chia sẻ thêm.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, trong khi chờ các biện pháp hỗ trợ từ cấp trên, chính quyền xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng dịch, phát hiện sớm và không giấu dịch. Cán bộ thú y cơ sở cũng đang ngày đêm bám sát địa bàn, hỗ trợ kỹ thuật xử lý môi trường, hướng dẫn khử trùng chuồng trại. Để khống chế dịch lây lan, xã đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND, ngày 11/7/2025 triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với DTLCP. Đồng thời, thành lập Tổ phản ứng nhanh để tiêu hủy, tiêu độc chuồng trại. Các tổ tiêm phòng, khử trùng cũng được điều động khẩn trương. Cùng với đó công tác tuyên truyền được xác định là mũi nhọn trong phòng dịch và được thực hiện trên nhiều kênh như loa truyền thanh, mạng xã hội Zalo, các buổi họp dân, khẩu hiệu băng rôn treo tại nơi công cộng... Người dân được yêu cầu khai báo ngay khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không giấu dịch hay vứt xác lợn ra môi trường.

Mạnh Hùng


Mạnh Hùng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Dòng vốn của những giấc mơ bền vững

Dòng vốn của những giấc mơ bền vững
2025-07-14 09:02:00

baophutho.vn Từ chương trình đầu tư công, 113 tỷ đồng đã và đang được đầu tư cho các xã vùng hồ sông Đà: Tiền Phong, Cao Sơn, Tân Pheo, Đức Nhàn - điểm đến...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long