Cập nhật:  GMT+7

Để mùa hè an toàn, lành mạnh

Mới chuẩn bị bước vào mùa Hè, nhưng dư luận xã hội không khỏi quan tâm, lo lắng khi chứng kiến các vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. Đáng chú ý là, dù công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các trường học được tổ chức thường xuyên nhưng mỗi năm, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra những vụ việc đuối nước đau lòng, nạn nhân trong đó chủ yếu là trẻ em. Và câu hỏi “Cần làm gì để mùa Hè không còn là nỗi ám ảnh?” lại được nhiều người đặt ra.

Để mùa hè an toàn, lành mạnh

Hội Chữ thập đỏ tỉnh hướng dẫn kỹ năng sơ, cấp cứu đuối nước tại Trường THCS Văn Lang, huyện Hạ Hòa.

Sân chơi cho trẻ vừa thiếu vừa “yếu”

Toàn tỉnh có trên 400.000 trẻ em, chiếm trên 25% dân số. Mặc dù năm nào các cơ quan chức năng, trường học, cơ quan báo chí thường xuyên tuyên truyền về phòng chống đuối nước nhưng vẫn có trẻ em tử vong do đuối nước. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, những vụ việc đuối nước đau lòng thường nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bàng hoàng, lo lắng.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đoan Hùng cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em mà phổ biến nhất là do sự chủ quan của người lớn đối với những nguy cơ gây đuối nước cho trẻ. Cụ thể, môi trường sống xung quanh trẻ tiềm ẩn nhiều mối nguy gây nên tai nạn đuối nước như: Giếng nước không có nắp đậy an toàn, các hố công trình xây dựng không có rào chắn hoặc biển cảnh báo nguy hiểm, các khu vực ao hồ, sông suối trên địa bàn… Trong khi phần lớn trẻ không biết bơi hoặc có trường hợp biết bơi nhưng chưa được dạy kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra đuối nước…

Nguyên nhân sâu xa hơn khiến trẻ thường tìm đến những khu vực có nước để tắm, đùa nghịch dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là do trẻ em đang còn quá thiếu các sân chơi. Có thể thấy, trong dịp Hè, trẻ em không đến trường, nhu cầu được vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí tại nơi ở rất lớn, tuy nhiên số lượng khu, điểm vui chơi hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, phần lớn các thiết chế thể thao nơi công cộng được thiết kế, lắp đặt phục vụ người lớn; tại các khu, điểm vui chơi cho trẻ do tư nhân quản lý thì phải mất vé với mức giá khá cao mới có thể vào cửa; các địa điểm rộng như công viên, quảng trường… trở thành khu vực đá bóng, đạp xe của của người lớn; vỉa hè bị chiếm dụng để trông xe, bán hàng… dẫn tới phương án được đưa ra là nhiều trẻ bị “nhốt” trong nhà, làm bạn với tivi, máy tính hoặc nếu được ra ngoài chơi, các em đá bóng dưới lòng đường, đùa nghịch trên dải phân cách hoặc tìm đến những địa điểm có nước để tắm, bơi lội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đài phun nước tại ngã tư đường Trần Phú giao với đường Nguyễn Tất Thành (thành phố Việt Trì) là công trình thiết kế độc đáo, kết hợp hệ thống phun nước và ánh sáng, tạo điểm nhấn quan trọng cho mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, đối với các em nhỏ trong những ngày nắng nóng, khu vực này trở thành điểm để tắm mát, đùa nghịch “miễn phí”, nhưng không ai dám chắc chắn về những nguy cơ có thể xảy ra nếu không may công trình bị hở điện, nền đá trơn dễ trượt ngã hoặc có thể trẻ bị cảm trong thời tiết oi bức ngày Hè… mà người lớn chủ quan, lơ là.

Ở khu vực nông thôn, mặc dù khu dân cư nào cũng có nhà văn hóa, xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em, những công trình này thu hút các em nhỏ và phát huy tác dụng khá tốt nhưng không phải trong những ngày nắng nóng, đồng thời quy mô, số lượng trò chơi hạn chế nên sau một thời gian sử dụng, trẻ sẽ không còn nhiều hứng thú. Tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa cũng khiến cho các trò chơi dân gian không còn nhiều chỗ “trú chân” trong thế giới quan của trẻ. Hình ảnh đám trẻ nông thôn túm tụm đẽo quay, đánh bi, đánh đáo, thả diều… đang ít dần…

Để mùa hè an toàn, lành mạnh

Trẻ em “giải nhiệt” trong những ngày nắng nóng tại Đài phun nước thành phố Việt Trì.

Nâng cao trách nhiệm và ý thức xã hội

Bơi lội là môn thể thao phổ biến và là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng đối với trẻ em nói riêng và mọi người nói chung. Tuy nhiên, người biết bơi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu tham gia hoạt động bơi lội tại những khu vực không đủ điều kiện an toàn. Do đó, để phòng, chống hiệu quả tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em đã có nhiều phương án được đưa ra.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngay từ những tháng đầu năm, Sở đã ban hành văn bản yêu cầu toàn ngành tăng cường quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của các cấp về phòng, chống tai nạn đuối nước; chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích; tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn trong thời gian các em nghỉ hè; kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt... nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước. Đồng thời, các đơn vị lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống đuối nước trẻ em, tích cực tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị, hội thảo, các cuộc thi, giao lưu nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động, học sinh. Thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước…

Hiện nay, nhiều trường học tổ chức các lớp học bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước, đối với các trường chưa xây dựng được bể bơi có thể sử dụng bể lắp ghép thông minh hoặc phối hợp với đơn vị có bể bơi trên địa bàn để tổ chức tập luyện cho học sinh... Song song với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, gia đình, xã hội cũng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ. Vì thế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cha mẹ học sinh trong việc tăng cường quản lý trẻ tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước. Mặt khác, cần nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, đảm bảo trật tự đô thị, tạo khu vực vui chơi an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ, để mùa Hè thực sự là thời điểm để trẻ được vui chơi, khám phá và phát triển toàn diện.

Lê Hoàng


Lê Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Các tin đã đưa

Chủ động phòng, chống sạt lở đất

Chủ động phòng, chống sạt lở đất
2023-05-29 07:59:00

baophutho.vn Theo cảnh báo của cơ quan chuyên môn, sạt lở đất có thể xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa, gây thiệt hại lớn về tài sản,...

Mệnh lệnh từ trái tim

Mệnh lệnh từ trái tim
2023-05-06 10:48:00

baophutho.vn Tháng Nhân đạo năm 2023 có chủ đề là “Từ trái tim mỗi chúng ta - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, nhằm khơi dậy tình yêu thương của mỗi...

Quảng cáo sai và “lệnh bài” ngăn chặn

Quảng cáo sai và “lệnh bài” ngăn chặn
2023-03-12 10:33:00

baophutho.vn Thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến tình trạng quảng cáo khá lộn xộn, thậm chí thổi phồng, nói không đúng công dụng thực tế của một...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long