
{title}
{publish}
{head}
Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, thiên tai không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản mà còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ về nguy cơ này, tỉnh Phú Thọ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, thể hiện quyết tâm của các cấp, các ngành và người dân trong việc xây dựng một cộng đồng bền vững và có khả năng thích ứng cao với thiên tai.
Lực lượng tại chỗ phối hợp cùng người dân thị trấn Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê) di dời tài sản của các hộ bị ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, năm 2024.
Biến đổi khí hậu và thách thức thiên tai
Với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai trên cả nước nói chung và tại Phú Thọ nói riêng diễn biến ngày càng khó lường và cực đoan. Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, đe dọa đến tính mạng và nguy cơ mất an toàn cho các công trình hạ tầng.
Năm 2024, thiên tai diễn biến đặc biệt phức tạp và khốc liệt, toàn tỉnh ghi nhận 15 đợt thiên tai lớn nhỏ, gồm mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và dông lốc xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại ước tính lên tới 1.723 tỷ đồng, tăng gấp hơn 40 lần so với năm 2023 (41,5 tỷ đồng).
Trong đó, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại ước tính trên 1.640 tỷ đồng, làm 6 người chết, 4 người mất tích, 8 người bị thương; hư hỏng 471 nhà dân; hơn 6.800 ngôi nhà bị ngập nước; 7.300 hộ dân phải di dời khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở đất; tràn 19,3km đê tả hữu Thao; sạt lở trên 23km bờ vở sông; sạt lở, hư hỏng 50km đường giao thông, sập cầu Phong Châu cùng nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu và công trình khác.
Lũ lớn trên các tuyến sông ghi nhận mức lịch sử, đặc biệt tại sông Thao, mực nước cao nhất tại trạm Ấm Thượng trên báo động III 2,72m, vượt lũ lịch sử năm 1971.
Trong cơn bão số 3, vai trò của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai (PCTT) tiếp tục được khẳng định rõ nét, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân. Để ứng phó với cơn bão, lực lượng Công an tỉnh huy động 7.432 cán bộ, chiến sĩ; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động 806 cán bộ, chiến sĩ, 13.633 dân quân tự vệ; Quân khu II chi viện, hỗ trợ 537 chiến sĩ.
Các huyện, thành, thị huy động 100% lực lượng của Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cấp huyện, cấp xã cùng với các lực lượng xung kích PCTT và Nhân dân trên địa bàn tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; huy động vật tư, phương tiện, nhân lực triển khai xử lý các sự cố từ giờ đầu, nhất là công tác chống tràn đê, xử lý sự cố cống, mạch đùn, mạch sủi khi nước sông dâng cao; thực hiện công tác sơ tán dân những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó theo diễn biến mưa lũ. Các lực lượng, phương tiện được huy động hỗ trợ các địa phương ứng phó bão số 3, xử lý các sự cố công trình; hỗ trợ Nhân dân di dời tài sản và khắc phục thiệt hại.
Nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa hiệu quả, lấy phòng là chính, từ sớm, từ xa. Ngoài việc chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác PCTT, tỉnh tập trung xây dựng các phương án ứng phó sát với điều kiện thực tế, đặc thù của từng địa phương; huy động tối đa nguồn lực xã hội và đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng ngay tại cơ sở.
Song song với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được triển khai thường xuyên; củng cố lực lượng xung kích tại chỗ, nâng cao khả năng chủ động ứng phó. Đồng thời chủ động lồng ghép nội dung PCTT khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn. Đây là hướng đi cần thiết để nâng cao sức chống chịu và thích ứng của địa phương trước những tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương tìm hiểu thông điệp phòng, chống thiên tai qua các tranh vẽ với chủ đề Góc nhìn trước thiên tai.
Cộng đồng chủ động - Giải pháp bền vững phòng chống thiên tai
Năm 2025, nhiệt độ toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO trung tính. Trên địa bàn tỉnh, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Bộ, nắng nóng có thể xuất hiện sớm từ tháng 5, kèm theo dông lốc nguy hiểm vào thời điểm giao mùa. Từ tháng 6 đến tháng 8, nắng nóng có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm; lượng mưa dự báo cao hơn trung bình cùng thời kỳ, nguy cơ xuất hiện nhiều trận mưa lớn, cục bộ... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng, thiệt hại đối với tài sản và đời sống của người dân.
Để chủ động ứng phó thiên tai, các cấp, các ngành, tổ chức tập trung thực hiện tốt phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Tuần lễ Quốc gia PCTT năm 2025 (15 - 22/5) với chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai” được triển khai nhằm tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác PCTT; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai.
Thanh Sơn là huyện miền núi với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, xen kẽ nhiều suối, đặc điểm này khiến khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại một số địa bàn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Trước thực tế đó, huyện Thanh Sơn thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình PCTT; giám sát chặt chẽ các công trình có dấu hiệu mất an toàn. Các địa phương bố trí lực lượng thường trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện tại chỗ, sẵn sàng huy động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Đồng chí Hà Thế Anh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: “Để nâng cao nhận thức cho người dân, huyện tập trung tuyên truyền, trang bị kỹ năng ứng phó với thiên tai, nhất là tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng. Công tác tuyên truyền được tổ chức sâu rộng, giúp người dân chủ động phòng tránh các loại thiên tai thường xuyên xảy ra như dông, lốc, sét, mưa đá, lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất”.
Một cộng đồng bền vững trước thiên tai là cộng đồng có khả năng phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với rủi ro. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cảnh báo sớm, công trình PCTT cũng như nâng cao năng lực của người dân thông qua các chương trình truyền thông, tập huấn kỹ năng ứng phó.
Theo đồng chí Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân cần đề cao tinh thần chủ động, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên và cơ quan chuyên môn về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng ngừa, ứng phó cho cộng đồng; nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác PCTT; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; ứng dụng công nghệ hiện đại vào cảnh báo sớm và quản lý rủi ro là những nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với đó, các kế hoạch, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các cơ quan chuyên môn cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả tại cơ sở. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho người dân trong việc theo dõi thông tin thời tiết, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nguyễn Huế
baophutho.vn Ngày 21/5, Công ty Cổ phần cấp nước Phú Thọ tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty (21/5/1965 * 21/5/2025).
baophutho.vn Những ngày gần đây thời tiết khô hanh nắng nóng nên nguy cơ cháy rừng đang ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Thực hiện yêu cầu của Sở Nông...
baophutho.vn Theo đơn phản ánh của 10 hộ dân ở xứ Dộc Luông, khu 11, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh, hộ ông Phạm Đức Thống ngụ cùng khu lấn chiếm hành lang...
baophutho.vn Hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện Đoan Hùng đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây...
baophutho.vn Ngày 19/5, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo Phú Thọ về tình trạng sụt lún của tuyến đường Âu Cơ đoạn qua phường Dữu Lâu, các ngành...
baophutho.vn Ngày 17/5, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo (BCĐ) của Chính phủ...
baophutho.vn Ngày 17/5, tại Trường Đại học Hùng Vương, Hội đồng tuyển dụng tỉnh Phú Thọ tổ chức khai mạc kỳ tuyển dụng giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở,...
baophutho.vn Ngày 16/5, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT)...
baophutho.vn Sáng 16/5, tại Hà Nội, Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 30 năm 2025 do Báo Hànộimới đăng cai tổ chức đã chính thức khai...
baophutho.vn Thời gian gần đây, trên tuyến đường Âu Cơ thuộc phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì đã xuất hiện một vết nứt dài khoảng 30m.