Trường Sa không xa
Đến với Trường Sa thân yêu, có lẽ điều “làm khó” chúng tôi nhất chính là những cơn say sóng. Xuất phát vào thời điểm sóng to, con tàu HQ-561 cao như ngôi nhà 5-6 tầng nhưng thật nhỏ bé giữa biển khơi bao la. Sóng to, gió lớn nên chỉ tầm 1 giờ đồng sau khi rời cảng, chúng tôi đã nằm im trong phòng, không ai nói chuyện với ai. Cứ thế, con tàu bị sóng đánh bổ nhào khiến đồ đạc như: ba lô, đồ dùng sinh hoạt ở trong phòng tự xê dịch.
Trong suốt 2 ngày đầu trên biển, hầu hết phóng viên không ai có thể ngồi dậy để ăn vì say sóng. Rất may, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các bác sĩ trên tàu và sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau nên sức khỏe của mọi người dần ổn định và trở lại với nếp sinh hoạt bình thường.
Đối với phóng viên, say sóng thì có thể nằm im tại chỗ, nhưng các chiến sĩ trên tàu vẫn hằng ngày phục vụ đủ 4 bữa ăn: sáng, trưa, tối và đêm cho hàng trăm con người; đảm bảo cơm ngon, canh ngọt. Họ thức dậy từ 3h và đi ngủ lúc 22h. Dù phải thức khuya, dậy sớm và cũng bị những cơn say sóng hành hạ, nhưng các chiến sĩ lúc nào cũng vui vẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau 2 ngày đêm nằm bẹp trên tàu, khi nghe tiếng chỉ huy báo tàu chuẩn bị cập cảng Trường Sa, tất cả chúng tôi dường như quên đi mệt mỏi, cùng bật dậy, sẵn sàng máy ảnh, sổ, bút chuẩn bị tác nghiệp. Đón chúng tôi là những cái bắt tay nồng hậu, nụ cười mến khách của quân và dân trên đảo. Chiến sĩ Đinh Thành Vinh, đảo Trường Sa, chia sẻ: Chúng em rất háo hức, mong chờ được đón các đoàn công tác ra đảo.
Nghĩa tình nơi đầu sóng
Ngoài đảo Trường Sa, tôi và các đồng nghiệp còn được thăm các đảo: An Bang, Đá Đông A, B, C và Đá Tây A, B, C. Ở đâu, chúng tôi cũng được đón tiếp nhiệt tình, chu đáo như người thân. Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, trải lòng: Sống trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nên sự có mặt của các phóng viên chính là cầu nối, mang hơi ấm của đất liền đến với mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo.
Trong những ngày công tác trên các đảo, điểm đảo, chúng tôi được nghe kể về những câu chuyện xúc động. Có chiến sĩ, bố, mẹ, người thân qua đời nhưng không thể về chịu tang, mà phải vái vọng; rồi cả câu chuyện thầy giáo trẻ xung phong ra dạy học nơi đảo xa, hay chuyện về người lính hải quân chăm sóc đàn chó như những “người bạn”, đến khi được về đất liền, chú chó đầu đàn bơi theo tàu mãi mới chịu quay lại đảo. Rồi có những cán bộ, chiến sĩ đêm về trằn trọc, mất ngủ vì lo lắng cây xanh mới trồng bị héo úa, sau đó lại vui mừng khi hàng cây bàng vuông, tra, bão táp vươn lên xanh tốt trong gió bão...
Trong chuyến hải trình gần 20 ngày ấy, việc gặp gỡ và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá. Và tôi cũng nhận ra, những khó khăn, vất vả ở đất liền chẳng hề thấm tháp vào đâu so với tại các đảo. Điều mà nếu không được đến tận nơi, tận mắt chứng kiến thì có lẽ không bao giờ tôi có thể cảm nhận được.
Nhờ có bàn tay, công sức và trí óc của họ mà Trường Sa hôm nay đang ngày càng đổi mới, tươi xanh hơn, khang trang, hiện đại và vững chãi hơn, mặc gió bão bủa vây. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên đỉnh cột mốc chủ quyền tại các đảo, điểm đảo chắc chắn không bao giờ phai mờ trong trái tim tôi cũng như những người con đất Việt khi đến với Trường Sa thân yêu.
Chuyến công tác Trường Sa đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc thiêng liêng, khó tả. Làm sao có thể quên khoảnh khắc chia tay, dù tàu đã nhổ neo đi xa nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vẫn dõi theo với ánh mắt đầy lưu luyến và cùng hô vang “Cả nước vì Trường Sa/Trường Sa vì cả nước”.
Tôi thêm yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu công việc mình đang làm sau chuyến đi Trường Sa ấy. Bình yên bờ cõi hôm nay đã được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả máu của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân. Tôi yêu Việt Nam/Tôi yêu Trường Sa!
Khánh Thiện/baothainguyen.vn