
{title}
{publish}
{head}
Trong dòng chảy không ngừng của xã hội hiện đại, trẻ em khuyết tật càng cần đến sự quan tâm, sẻ chia để có thể vươn lên, hòa nhập với cộng đồng. Thời gian qua, từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và các trung tâm bảo trợ, cơ sở giáo dục đã góp phần mở cánh cửa hòa nhập, mang đến hy vọng cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Học sinh Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì thoải mái vui chơi trong giờ hoạt động tập thể.
Lắng nghe trẻ bằng trái tim
Cách đây một năm, gia đình đã quyết định gửi Nguyễn Thế Bảo (sinh năm 2010) về Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì để được các thầy, cô bảo ban, chăm sóc, giúp đỡ. Mặc dù học hết lớp 4, nhưng ngày mới vào Trung tâm, Nguyễn Thế Bảo viết chữ chưa thành thạo, chưa biết đến ký hiệu lại rụt rè, ít nói. Cuộc sống xa nhà, ở lại nội trú lúc đầu với một đứa trẻ bị khiếm thính, chậm phát triển như Bảo là cả sự bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng rồi nhờ sự quan tâm chỉ bảo ân cần của cô giáo chủ nhiệm và tình cảm của các bạn cùng hoàn cảnh đã giúp em nhanh chóng hòa đồng ở môi trường mới. Thế Bảo nay đã biết được nhiều thứ, giao tiếp tương đối tốt với thầy cô, bạn bè, nhận thức tiến bộ. Cuối tuần được nghỉ học, em có thể tự bắt xe buýt về nhà với gia đình và giúp đỡ bố mẹ một số việc: Quyét nhà, phơi quần áo, nấu ăn... Cô giáo Vũ Thu Dung - giáo viên chủ nhiệm lớp 1B khiếm thính, Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì chia sẻ: “Các con là những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, khá tự ti và dễ bị tổn thương, kích động. Vì thế, mỗi giáo viên ở đây không chỉ lên lớp bằng những bài giảng thông thường mà còn đòi hỏi phải thật kiên nhẫn, biết kiềm chế cảm xúc, nắm bắt tâm lý, tình cảm của từng bạn. Vừa là cô giáo, có lúc là bạn, khi lại gần gũi như người thân ruột thịt trong gia đình để các con thực sự cảm nhận được hơi ấm tình thương mà yêu thích, gắn bó với Trung tâm như gia đình mình”. Cơ thể bị khiếm khuyết, nhưng bù lại trong mỗi trái tim trẻ thơ lại luôn dạt dào niềm khát khao được thương yêu và sự đồng cảm. Các thầy, cô giáo nơi đây đang hàng ngày chăm chút cho những đứa trẻ kém may mắn bằng cả trái tim với mong muốn động viên, bù đắp một phần giúp các em tự tin sớm hòa nhập với cộng đồng.
Thành lập từ năm 1993, Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì đã trở thành mái ấm cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Với sứ mệnh không chỉ nuôi dưỡng mà còn giáo dục chuyên biệt, hướng nghiệp và dạy nghề, Trung tâm đã giúp các em từng bước vượt qua rào cản thể chất và tinh thần để hòa nhập cộng đồng. Năm học 2024-2025, Trung tâm có 132 học sinh độ tuổi 6-18 tuổi thuộc các dạng khuyết tật: Khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ và tự kỷ, trong đó học sinh khiếm thính chiếm 80%. Đa số học sinh là con hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Dưới sự chăm sóc tận tình của 38 cán bộ, giáo viên, tỷ lệ học sinh hoà nhập cộng đồng sau khi hoàn thành chương trình lớp học chiếm gần 100%.
Từ sự gần gũi, ân cần của thầy cô đã giúp học sinh khiếm thị ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì vượt qua mặc cảm, nỗ lực rèn luyện để sớm hoà nhập cộng đồng.
Nếu Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì là ngôi trường chuyên biệt liên cấp dành cho trẻ khuyết tật, thì Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Trường An lại chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, giúp các em tự tin hòa nhập. Thành lập từ năm 2018, đến nay Trung tâm đã mở 4 cơ sở tại thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê và huyện Đoan Hùng. Mỗi năm, Trung tâm có từ 30-50 trẻ được hoà nhập. Hiện, Trung tâm đang chăm sóc, giáo dục cho gần 80 trẻ chủ yếu là trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển, chậm nói và chậm phát triển. Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Thanh Thuận- Giám đốc Trung tâm cho biết: “Với mong muốn tạo ra một môi trường học tập hòa nhập, khuyến khích sự tương tác và giao tiếp giữa các học sinh, cùng với các hoạt động trong lớp học, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài trời, vui chơi tập thể nhằm tăng cường sự tương tác, giúp tăng khả năng phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ. 21 giáo viên ở Trung tâm đều được đào tạo chuyên sâu với sự hỗ trợ thường xuyên của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục trong và ngoài nước. Nhờ đó, giáo viên không chỉ có kiến thức về phương pháp giảng dạy hiệu quả mà còn có sự quan tâm và tình yêu đặc biệt đối với trẻ. Sự tận tụy và chu đáo của mỗi thầy cô đã giúp học sinh cảm thấy an toàn, tự tin và có khả năng phát triển toàn diện, sớm hoà nhập cộng đồng”. Mô hình giáo dục hòa nhập tại Trung tâm Trường An không chỉ giúp trẻ khuyết tật phát triển kỹ năng, mà còn thay đổi nhận thức của cộng đồng, xóa bỏ kỳ thị và tạo điều kiện để các em trở thành những công dân có ích.
Tháo gỡ những khó khăn
20 năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì, cô giáo Trần Thị Hồng Vân được ví như người mẹ thứ hai của những đứa trẻ nơi đây. “Đi sớm về muộn với chúng tôi là chuyện thường ngày. Bởi khi mình dành nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động và sinh hoạt của học sinh trên lớp cũng như ở khu nội trú sẽ giúp cô và trò gần gũi nhau hơn. Qua đó, mình hiểu hơn tâm tư, tình cảm của học sinh để có thể đồng cảm nhiều hơn với các em. Nhiều lúc các em thấy sức khỏe không tốt hay cần thứ gì đó sẽ gọi cho cô giáo đầu tiên, bởi gia đình nhiều em ở xa. Những lúc như vậy, không kể giờ giấc, mình lại chạy vào Trung tâm với các em” - cô Vân tâm sự.
Giáo viên Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập Trường An trị liệu cho trẻ.
Mặc dù dành trọn tâm huyết với trẻ, nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì còn nhiều trăn trở. Cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa- Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Mỗi năm Trung tâm chỉ tuyển sinh được 2 lớp với 24 cháu, trong khi nhu cầu của người dân muốn gửi con vào đây cao gấp hơn 10 lần so với thực tế tuyển sinh là bởi cơ sở vật chất chật chội, xuống cấp. Khó khăn này sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới khi Trung tâm đã được phê duyệt xây dựng mới với quy mô mở rộng, đầy đủ phòng chức năng, phòng học và khu nhà ở nội trú cho trẻ. Tuy nhiên, vì đây là mô hình giáo dục chuyên biệt, nên chúng tôi mong muốn được tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện Trung tâm không có nhân viên hỗ trợ trẻ khuyết tật, trong khi nhu cầu cần 14 người hỗ trợ cho các cháu. Các thiết bị hỗ trợ cho trẻ khuyết tật: Tai nghe, gậy dò đường, thiết bị giáo dục chuyên biệt hỗ trợ giáo viên giảng dạy cho học sinh khuyết tật còn thiếu, nhất là môn luyện nghe đối với trẻ còn nhiều khó khăn”.
Theo số liệu của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, toàn tỉnh có hơn 3.000 trẻ em khuyết tật được nhận trợ giúp của Nhà nước, trong đó 2.677 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng và trẻ em khuyết tật nặng đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, 1.674 trẻ em được trợ giúp giáo dục và giáo dục nghề nghiệp... Số lượng trẻ khuyết tật đông, nhưng toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt là Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì và 3 trung tâm giáo dục hoà nhập được Sở GD&ĐT cấp phép trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao, với số lượng học sinh khuyết tật được vào học rất ít so với nhu cầu đi học của trẻ. Cụ thể, tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập Trường An mặc dù có chương trình giảng dạy chủ yếu là sàng lọc phổ tự kỷ, can thiệp sớm và dạy kỹ năng sống với giáo trình riêng, nhưng vài năm gần đây cũng gặp khó trong công tác tuyển sinh khi chỉ tuyển được khoảng 50% số trẻ so với nhu cầu tuyển sinh. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay xuất phát từ phía phụ huynh. Nhiều gia đình vẫn còn định kiến, lo lắng con mình bị kỳ thị, bắt nạt trong môi trường hòa nhập. Điều này dẫn đến việc nhiều người ngần ngại đăng ký cho con theo học tại trung tâm, thay vào đó chọn giữ trẻ ở nhà hoặc gửi đến các cơ sở chuyên biệt ở xa. Một số trẻ sau khi đạt 80% so với thang phát triển của trẻ sẽ được hoà nhập. Tuy nhiên, sau khi trẻ hoà nhập với môi trường xã hội bình thường, hầu hết phụ huynh lại chủ quan, không tiếp tục đồng hành với con khiến trẻ bị tụt lại về khoảng cách hoà nhập. Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Thanh Thuận- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập Trường An mong muốn: “Chúng tôi mong rằng, thời gian tới sẽ được tạo điều kiện phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn tỉnh để sàng lọc phát triển, sàng lọc tâm lý đối với trẻ nhằm phát hiện sớm, giúp trẻ có điều kiện tham gia giáo dục hoà nhập sớm, từ đó tăng cơ hội để trẻ được phát triển bình thường. Thông qua các buổi hội thảo dành cho cha mẹ cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của phụ huynh đối với việc giáo dục hoà nhập sớm cho trẻ”.
Cho dù tình yêu thương của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật sẽ không thể chữa lành những khuyết điểm trên cơ thể các em, song nó sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp các em có thể sống hòa nhập cùng cộng đồng, xoa dịu bớt phần nào thiệt thòi mà các em phải gánh chịu. Trẻ khuyết tật không chỉ cần sự chăm sóc mà còn cần cơ hội để khẳng định giá trị bản thân. Với những nỗ lực từ phía các trung tâm giáo dục chuyên biệt, trung tâm giáo dục hoà nhập cùng sự đồng hành của cộng đồng, cánh cửa hòa nhập đang ngày càng rộng mở để không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình đến với tri thức và cuộc sống trọn vẹn.
Hồng Nhung
baophutho.vn Ngày 12/4, Trường Đại học Hùng Vương tổ chức hội nghị kết nối giữa Nhà trường và doanh nghiệp, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên năm 2025....
baophutho.vn Ngày 11/4, Hội Nông dân tỉnh tổ chức ra mắt và tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền cho các thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” xã...
baophutho.vn Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Cẩm Khê triển khai thực hiện hiệu quả chương trình sửa chữa,...
baophutho.vn Thời gian qua, cùng với tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn đẩy mạnh các...
baophutho.vn Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành xóa 3.372 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 2.016 hộ có nhu cầu xây mới, 1.356 hộ có nhu...
baophutho.vn Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức ra mắt và tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền cho thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” xã Tu Vũ,...
Theo dự báo, khu vực miền Đông Nam Bộ có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, khu vực Đông Bắc có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác.
baophutho.vn Ngày 8/4, Hội Nông dân huyện Thanh Thủy phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại thương - Chi nhánh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình bàn giao nhà ở cho...
Hôm nay cũng là ngày đầu tiên người dân đi làm trở lại sau dịp nghỉ lễ, do đó, với nền thời tiết này, người dân Thủ đô lo lắng lưu thông có thể sẽ không thuận tiện do ẩm ướt và...
baophutho.vn Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Phú Thọ đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 230 phóng viên thuộc 57 cơ...
baophutho.vn Từ 3/4-7/4, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tổ chức cấp phát tặng nước uống miễn phí cho người dân và du khách đi lễ hội Đền Hùng.